Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Chuẩn bị gì cho tham vọng “khủng”?

Phần lớn chúng ta dành toàn bộ thời gian của cuộc đời mình chỉ để “tìm kế sinh nhai” cho đến lúc bạn không còn đủ sức để lao động bị xã hội “đào thải”. Liệu có mấy ai trong chúng ta dám sống một cuộc sống khác được trải nghiệm thế giới xung quanh nhiều hơn vì chúng ta chỉ có 1 cuộc đời để sống. Mọi việc nghe có vẻ hão huyền nhưng tất cả có thể thay đổi nếu bạn chịu thay đổi tư duy sống ít nhất là như vậy.

Xây cho mình một cỗ máy in tiền tự động

Rất nhiều người khi còn trẻ họ mong ước để trở thành một doanh nhân thành đạt nhưng chỉ sau 5-10 năm đi làm phần lớn họ lại chấp nhận trở thành một kẻ làm thuê đến hết cuộc đời. Dù cho bạn có là người làm thuê số 1 Việt Nam thì bạn cũng phải cày cuốc và đứng trước nguy cơ bị sa thải bất kỳ lúc nào. Vậy tại sao bạn phải mạo hiểm cả cuộc đời mình để xây dựng ước mơ cho kẻ khác. Ngẫm nghĩ thì thật là lố bịch nhưng phần lớn chúng ta đang đi theo con đường đó. Sao không tự tay dựng xây cho mình một “đế chế” riêng có thể nó chỉ là hạt cát giữa sa mạc nhưng nó là của bạn.

Mở một quán café, nhà hàng, shop,… và theo thời gian nó sẽ tự động đẻ trứng vàng cho bạn. Tất nhiên bạn phải mất một khoảng thời gian khó khăn ban đầu để xây dựng và chuyển giao bộ máy cho những người dưới quyền. Và giờ đây bạn có thể vi vu đâu đó ở tận bắc cực để câu cá hay lang thang đâu đó ở sa mạc tận Châu Phi huyền bí,…

Trở thành nhà đầu tư tài chính

Một trong những cách bạn có thể sống thoải mái không phải mài mòn cả quần ở cái ghế trong công ty là trở thành một nhà đầu tư. Tất nhiên tôi không phải nói bạn phải trở thành một nhà đầu tư kiểu như Warren Buffett. Công việc của bạn là tìm kiếm những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có thể sinh lợi cho mớ cổ phiếu mà bạn mua hoặc đơn giản là góp tiền đầu tư vào những dự án của bạn bè, người thân có tính khả thi. Đây là công việc có tính khoa học và bạn phải học hỏi khá nhiều từ sách vở những nhà đầu tư khác trên sàn chứng khoán,… Hãy bắt đầu bằng những khoản đầu tư nhỏ nó sẽ thành những khoản đầu tư lớn, để thắng những trận đánh lớn trước tiên cần thắng những trận nhỏ. Dần dần sau 10-20 năm bạn có thể không lo về tài chính cho những năm cuối của cuộc đời mình. Lúc đó bạn có thể tự do tận hưởng cuộc sống của chính mình, làm những gì mình thích.

Về quê mở trang trại hay đồn điền

Nhiều người lầm tưởng chỉ có ở thành phố bạn mới kiếm được tiền và rất nhiều tiền tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Nếu với một số vốn chưa đủ lớn bạn cũng có thể đầu tư mở một trang trại hay trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, café, tiêu,… ở quê. Ban đầu có thể chỉ là 1ha sau đó lên 5,10,20ha tùy theo khả năng của bạn. Việc chăm sóc không mất quá nhiều công sức của bạn nhưng nó sẽ là bầu sữa đều đặn cung cấp tiền cho bạn tiêu xài về sau mà không phải bận tâm đến việc đi kiếm tiền.

Đừng chạy theo làm giàu

Đa phần chúng ta sẽ đi theo hướng kiếm thật nhiều tiền rồi nghỉ ngơi làm điều mình yêu thích. Nhưng có một cách khác đó là việc bạn gạt qua một bên mục tiêu tài chính mà sống đơn giản và yêu thích những điều giản dị và ít tốn kém nếu bạn không phải là một đứa con sinh ra trong gia đình khá giả. Nếu bạn có đam mê duy nhất là đi du lịch cho cuộc đời mình thì chỉ cần vác balo lên và đi dù trong túi có chưa tới 100 dola. Đi du lịch bụi, vừa đi vừa kiếm sống vừa trải nghiệm thế giới xung quanh. Nếu không có xe bạn cũng không phải lo lắng bạn có thể đi nhờ xe,… 

Cuộc sống của bạn là của bạn và chính bạn chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình chứ không phải tôi, bố mẹ hay bạn bè,…

(Sưu tầm Internet)

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Cuộc sống 'cơ hàn' của tỷ phú Warren Buffett

Tỷ phú bình dân từ cách sống không xa hoa, không ồn ào hay "khua chiêng múa trống".

Nổi tiếng là tỷ phú trong ngành đầu tư chứng khoán, Warren Buffett là một người có đầu óc kinh doanh hết sức nhạy bén và tận dụng thời cơ chớp nhoáng. Tuy nhiên, ông cũng được mệnh danh là tỷ phú bình dân từ cách sống không xa hoa, không ồn ào hay "khua chiêng múa trống".

Du thuyền hay máy bay chỉ là "cục nợ"

Ông chủ của Berkshire Hathaway - một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ năm nay đã 83 tuổi nhưng ông vẫn nằm trong danh sách những tỷ phú hàng đầu thế giới. Câu nói "Mất 20 năm để gây dựng danh tiếng nhưng chỉ mất 5 phút để hủy hoại nó" đã trở thành một chân lý cho tất cả các tỷ phú nổi tiếng khác. Nhưng đối với Buffett, danh tiếng đó không đi liền với việc luôn tỏ ra mình là người giàu có như sắm nhà cao cửa rộng, ăn tiêu lãng phí, đầu tư vào các trang thiết bị hiện đại... Buffett chỉ muốn sống một cuộc đời giản dị mà hạnh phúc.

Hiện tại, Buffett vẫn sống trong ngôi nhà 31.500 USD (tương đương khoảng 250.000 USD ngày nay), ông mua cách đây hơn 50 năm ở Omaha, Nebraska (Hoa Kỳ) và ông chỉ sở hữu căn nhà này chứ không có nhiều nhà hay biệt thự như các tỷ phú khác. Căn nhà có diện tích 610m2, một diện tích không phải là nhỏ nhưng so với các tỷ phú khác, nó chỉ là một căn nhà nghỉ dưỡng.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao ông không đầu tư vào một căn biệt thự lớn cho phù hợp với độ giàu có của mình, ông nói: "Ở đó, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ chuyển đi nếu tôi cho là mình sẽ hạnh phúc hơn ở một nơi khác. Làm sao mà tôi có thể cải thiện được cuộc sống của mình bằng cách có 10 ngôi nhà khắp thế giới.

Nếu muốn trở thành một người quản lý nhà cửa, tôi sẽ làm nghề đó, nhưng tôi không muốn quản lý 10 ngôi nhà và cũng không muốn ai đó phải làm giúp mình công việc như thế...". Buffett từng gọi căn nhà này là khoản đầu tư lớn thứ ba mà ông từng "rót vốn" vào, sau hai chiếc nhẫn cưới. Theo Buffett, ngôi nhà của ông thật tuyệt vời. "Tôi cảm thấy ấm áp trong mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Ngôi nhà thật tiện lợi đối với tôi. Tôi không nghĩ là mình sẽ có một ngôi nhà tốt hơn thế".

Dù là tỷ phú đứng thứ hai thế giới nhưng Buffett không hề sở hữu một chiếc du thuyền nào bởi đối với ông, chúng chỉ là những món đồ chơi, là những "cục nợ" không hơn không kém. Ngay đến đám cưới với người vợ thứ hai, ông cũng chỉ tổ chức lễ cưới hết sức đơn giản tại nhà con gái ở Omaha. Quả thật, hiếm hoi có vị tỷ phú nào tiết kiệm đến từng đồng bạc lẻ đến vậy.

Quay lại thời gian cách đây hàng chục năm, khi đứa con đầu tiên của Buffett ra đời, chính ông đã tự tay đóng một chiếc nôi sơ sinh cho con từ chiếc ngăn kéo tủ quần áo cũ chứ không mua ngoài cửa hàng như các gia đình vẫn thường làm. Rồi đến đứa con thứ hai, ông lại đi xin chứ nhất quyết không bỏ một xu ra mua một chiếc mới cho con.

Ông quan niệm, cái gì đáng mua mới mua, không nên chi tiền vào những thứ chỉ dùng trong chốc lát rồi lại "bỏ xó", đó là sự lãng phí không cần thiết. Có lẽ, ông là tỷ phú duy nhất trên thế giới lái một chiếc xe Volkswagen cũ kỹ và chỉ nâng cấp lên chiếc Cadillac mới khi bị vợ "ép" thay đổi.

Buffett hiện đang nắm trong tay khối tài sản kếch xù lên tới 50 tỷ USD và đang điều hành một tập đoàn đa ngành trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, ông vua chứng khoán vẫn không bỏ thói quen tích cóp từng xu lẻ mà còn dạy những người khác nên học theo tính tiết kiệm này của mình.

"Những đồng xu lẻ" ông tích cóp được cũng không mang ra tiêu xài phung phí, ông lại tiếp tục dùng chúng để tái đầu tư. Ở Buffett, cụm từ "tích tiểu thành đại và quay vòng" luôn là điều ông đặt lên hàng đầu, được ông áp dụng một cách triệt để. Thật không "ngoa" khi nói ông là một nhà buôn tiền lừng danh nhưng ông cũng là một nhà từ thiện hiếm có.

Sống cuộc sống được là chính mình

Đến nay, khi đã ở tuổi bát tuần, Buffett vẫn cảm thấy tiếc vì ông bước chân vào giới chứng khoán, cổ phiếu quá muộn bởi khi đó ông đã... 11 tuổi. Buffett cho rằng: "Không bao giờ là quá sớm nếu người ta có ước mơ làm giàu. Bất kể bạn ở độ tuổi nào cũng có thể là một nhà đầu tư giỏi, chỉ cần biết cách tiết kiệm mà thôi. Những điều này được Buffett thực hiện suốt thời thơ ấu và đến năm 14 tuổi, ông đã mua được một nông trại nhỏ từ số tiền dành dụm việc rao báo. Ngay việc ông chỉ mua một căn nhà nhỏ, đủ cho một gia đình sống đã là minh chứng rõ nhất cho việc "tằn tiện" của ông.

Ông thường nói với các con: "Chỉ có tiết kiệm mới mang lại sự giàu sang cho bản thân và cho chính đất nước mình. Đừng tiêu vào những thứ vô bổ, hãy đầu tư vào những thứ các con thực sự cần và có ích. Nếu các con muốn giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc". Bởi vậy, mặc dù sở hữu một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới nhưng bản thân tỷ phú Buffett không bao giờ đi du lịch bằng máy bay riêng.

Nhiều người thắc mắc sao ông không tham gia các buổi tiệc tùng, đình đám với tầng lớp thượng lưu để gia tăng danh tiếng cho mình. Ông chỉ cười và trả lời: "Tôi không muốn cố gắng tỏa sáng hay đánh bóng tên tuổi. Tôi chỉ muốn được là chính mình và làm những điều mình thích mà thôi". Sau giờ làm việc, ông thường lái xe về nhà, nằm xem ti vi và thưởng thức bắp rang bơ như một công chức bình thường.

Điều đặc biệt ở Buffett là ông không dùng điện thoại di động dù là một chiếc điện thoại bình thường nhất. Thậm chí, ông cũng không có lấy một chiếc máy tính trên bàn làm việc bởi ông thấy không cần thiết, mọi dữ liệu đều nằm trong đầu ông và sẽ được "lấy ra" một cách nhanh chóng khi cần mà không cần các thao tác phức tạp trên máy tính. Có người nhận xét cuộc sống của vị tỷ phú này như một người dân sống trong cảnh bần hàn, cơ cực, dù có trong tay cả một gia tài khổng lồ cũng không dám động đến.

Tháng 2 vừa qua, Buffett tiếp tục bày tỏ quan điểm phi vật chất của mình với báo chí: "Tôi đã được làm mọi công việc tôi muốn. Tôi có những người bạn thậm chí còn làm nhiều nghề hơn. Nhưng tôi cảm thấy một số người đang bị chính nghề của họ chi phối thay vì làm chủ công việc. Thật đáng tiếc!".        

Vị tỷ phú có tầm nhìn sắc bén

Đã từ lâu tỷ phú Warren Buffet nổi tiếng là người có nhãn quan đầu tư sắc bén với những thương vụ đình đám mà ít ai dám thực hiện. Thương vụ gần đây nhất Buffett thực hiện là vụ thâu tóm lớn nhất lịch sử ngành thực phẩm thế giới với quy mô lên tới 23,3 tỷ USD. Đích ngắm được "huyền thoại xứ Omaha" nhắm tới là tập đoàn sản xuất nước sốt cà chua H.J. Heinz Co. có trụ sở tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania.

Ông Buffett cũng tỏ ra rất hài lòng với hoạt động lần này: "Đây là loại hình công ty chúng tôi ưa thích. Tôi đã dùng thử hàng của họ nhiều lần". Cho đến nay thương vụ thâu tóm lớn nhất mà "huyền thoại xứ Omaha" thực hiện là vụ mua lại tập đoàn đường sắt BNSF năm 2010 với giá 26,3 tỷ USD. Trước đó là thương vụ đầu tư 16 tỷ USD vào cổ phiếu của "gã khổng lồ" ngành tái bảo hiểm General Re năm 1998.

Warren Buffett - Tỷ phú từ thiện

Không đầu tư cho bản thân hay gia đình nhưng đối với công tác từ thiện, tỷ phú Warren Buffett rất hăng hái và không chút đắn đo, suy nghĩ. Ông cam kết tặng 99% tài sản cho Quỹ Bill & Melinda Gates và các tổ chức từ thiện gia đình sau khi chết và sẽ ủng hộ hơn 30 tỷ USD và quỹ của Bill Gates trong vòng hơn 20 năm.

Tháng 8/2012, vào ngày sinh nhật của mình, Buffett cũng đóng góp hơn 3 tỷ USD vào ba quỹ từ thiện mà các con ông đang quản lý. Trong một lần đứng trước báo chí, vị tỷ phú chứng khoán còn nói: "Người giàu nên bị đánh thuế nhiều hơn", khiến nhiều người hết sức sửng sốt và cảm nhận rõ hơn về con người nhân đạo của ông.

Theo An Mai (Người đưa tin/Times/Business Insider)

Trần Trọng Kiên - Người biến hóa 2000 USD thành 80 triệu USD

Gây dựng doanh nghiệp thành công, với tổng tài sản lên đến 80 triệu USD từ nguồn vốn khởi nghiệp vỏn vẹn 2.000 USD.

Nhờ luôn có sự khác biệt, từ 2.000 USD để khởi nghiệp, sau gần 20 năm, Trần Trọng Kiên đã gây dựng Công ty cổ phần Thiên Minh thành một doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh du lịch tại Việt Nam với tổng tài sản lên tới 80 triệu USD.

Người mở lối

Chỉ cách đây vài năm thôi, cứ đến mỗi cuối tuần trên chuyến xe đưa khách ra sân bay trở về nước, người lái xe lại hỏi thăm khách rất cặn kẽ và ân cần về cảm nhận của họ sau khi trải nghiệm dịch vụ của công ty. những chia sẻ từ khách hàng là cơ sở để công ty hoàn thiện dịch vụ của mình. người lái xe, không ai khác, là doanh nhân Trần Trọng Kiên, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiên Minh. anh bảo: “Đây cũng là một cách để thể hiện sự trân trọng với khách hàng, đồng thời lắng nghe khách hàng chia sẻ”. Riêng điều đó thôi cũng đã đủ làm nên một khác biệt rất lớn giữa Thiên Minh với hàng nghìn công ty du lịch khác đang hoạt động trên thị trường.

“Khác biệt” cũng là yếu tố đầu tiên mà cách đây 17 năm, chàng cử nhân ngành y 23 tuổi Trần Trọng Kiên xác định khi có bước rẽ ngang sang kinh doanh trên lĩnh vực du lịch. Trước đó một năm, năm 1995, Mỹ chính thức mở đại sứ quán tại Việt Nam. Sau 10 năm mở cửa ra thế giới bên ngoài, Việt Nam đã thu hút được một lượng không nhỏ khách du lịch quốc tế tìm đến với đất nước còn rất mới mẻ với họ. thị trường du lịch Việt nam khi ấy ước tính đã có khoảng 1 triệu khách.

Gia nhập thị trường với số vốn vỏn vẹn có 2.000 USD, đối diện với những đàn anh đàn chị đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường, khác biệt trở thành lối đi duy nhất để Buffalo Tours của Trần Trọng Kiên có thể tồn tại và phát triển. Vì thế, trong khi tất cả các tour du lịch khác đều đi theo một lối mòn là đi tham quan, ngắm cảnh đơn thuần thì Buffalo Tours trở thành người tiên phong đưa sản phẩm du lịch mạo hiểm và trải nghiệm vào thị trường. Thương hiệu Buffalo Tours nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của một lượng khách nước ngoài nhất định.

Những chú trâu nước của Việt Nam, một hình ảnh vừa thân thuộc, vừa rất khác biệt trong cái tên công ty đã gắn với những hình ảnh trải nghiệm du lịch độc và lạ ở Việt Nam thời bấy giờ. Chọn sản phẩm du lịch mạo hiểm kết hợp với trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng làm mũi nhọn để phát triển, Buffalo Tours đã khai thác được những tiềm năng từ tự nhiên, lịch sử và văn hóa của Việt nam.

Những năm 2000, nhiều người khi bước chân vào văn phòng của Buffalo Tours đều nhầm tưởng đây là một công ty của nước ngoài. Buffalo Tours có sự khác biệt rất lớn so với các công ty du lịch trong nước, từ cách bài trí đến phong cách phục vụ chuyên nghiệp. bởi sau một thời gian ổn định sản phẩm, công ty đã có định hướng rất cụ thể về đối tượng khách hàng: người nước ngoài có khả năng chi trả cao.

Trong khi các doanh nghiệp du lịch khác có cùng một sản phẩm như nhau với khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới thì Buffalo Tours nghiên cứu rất kỹ từng nhóm khách hàng để đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp. Anh Kiên lấy ví dụ, đều là du lịch mạo hiểm, nhưng quan điểm của mỗi nước mỗi khác. Đối với dân Mỹ đây là loại hình du lịch dành cho đối tượng cao cấp sẵn sàng trả từ 500 - 800 USD, nhưng với người Úc, mạo hiểm đồng nghĩa với bình dân, trẻ trung, khỏe mạnh, mức giá có khi chỉ ở khoảng 70 - 80 USD.

Các tour của Buffalo phải được thiết kế dựa trên tâm lý đó. Quan điểm của anh khi ấy là: “Có thể mình không là lớn nhất, nhưng cố gắng trở thành người giỏi nhất trong những phân khúc nhỏ mà mình đã lựa chọn”. Đường đi của thiên Minh đến ngày hôm nay vẫn không trật ra khỏi định hướng ban đầu đó của Buffalo Tours.

Thế mạnh từ sự khác biệt của người dẫn đầu đã được thiên Minh tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo. Và cũng chính tư duy khác biệt đã khiến vị tổng Giám đốc trần trọng Kiên tiếp tục nhìn thấy cơ hội tại một cường quốc du lịch: Thái Lan. Khi thiên Minh đặt vấn đề đầu tư vào thái Lan, nhiều người cho rằng, đây là một quyết định dại dột. Bởi lẽ, phát triển trước Việt Nam 30 năm, Thái Lan đã hội tụ những người làm du lịch quá sành sỏi. Nhưng Trần Trọng Kiên lại nhìn ở một góc độ khác: bề dày lâu năm lại chính là điểm yếu của họ. tại Thái Lan, hầu hết các công ty lữ hành lớn nhất đều được sở hữu bởi những người nước ngoài và đa phần họ đều bước vào độ tuổi 50 - 60, độ tuổi mà tính sáng tạo, chủ động và sự quyết tâm không còn nhiều.

Và thị trường Thái Lan dù nhiều khách, nhưng sản phẩm sáng tạo trong toàn bộ hệ thống lại không có nhiều. Những sản phẩm đã đi vào lối mòn, lạc hậu, lại được dẫn dắt bởi những người già, bảo thủ, trì trệ… đó quả là cơ hội không thể bỏ qua đối với một công ty lấy sự khác biệt và sáng tạo làm đầu như thiên Minh. Anh đã quyết định đầu tư vào Thái Lan thông qua việc mua toàn bộ cổ phần một công ty du lịch ở đây.

Vào Thái Lan năm 2009,Thiên Minh của Trần Trọng Kiên đã trải qua không ít những thử thách như: Sự bất ổn định về chính trị những năm 2009 - 2010, lụt lội ở Bangkok năm 2011… tuy nhiên, những yếu tố này không cản trở việc Thiên Minh tại Thái Lan phát triển và nhanh chóng trở thành một trong 10 công ty du lịch chủ chốt tại Thái Lan. Từ một văn phòng nhỏ chỉ có 5 - 6 nhân viên, nay Thiên Minh tại Thái Lan đã có 100 nhân viên, phục vụ 200.000 khách du lịch.

Trần Trọng Kiên càng có thêm cơ sở để tin vào nhận định ban đầu của mình: “Đó là cần chọn đúng thời điểm để vào thị trường, biết tạo ra sự khác biệt, tập trung đầu tư vào sáng tạo và kiên định với chiến lược đề ra. Chúng tôi càng được củng cố thêm niềm tin rằng, cơ hội tại Thái Lan lớn hơn so với việc đầu tư theo phong trào vào những thị trường như Miến Điện hay Indonesia. Có thể đi ngược trào lưu, nhưng nếu hiểu mình làm gì và giữ vững niềm tin thì sẽ thành công.”

Một sản phẩm sáng tạo được Thiên Minh định nghĩa là trước hết phải làm bằng và làm tốt hơn những người đi trước từ khâu điều hành, marketing, năng suất làm việc… rồi từ đó mới bắt đầu đưa hàm lượng trí tuệ vào sản phẩm. tại thái Lan, thiên Minh là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra tour đi bộ và có người giải thích về văn hóa, lịch sử. Việc tổ chức các tour đi xe đạp ngay trong thủ đô Bangkok cũng là điều ít ai có thể tưởng tượng ra, nhưng Thiên Minh đã làm rất thành công.

Khách du lịch nước ngoài hào hứng với việc đạp xe trên các tuyến phố phía sau trục đường chính, băng qua những khu dân cư, trường học, để nhìn thấy Bangkok ở một góc nhìn rất khác. bên cạnh đó là những tour đưa du khách đến những trường dạy múa của thái để học về văn hóa thái, từ cách người thái chào nhau đến cách quấn trang phục hay tìm hiểu về động tác múa của các gia đình hoàng gia đã trở thành sản phẩm đặc thù của Thiên Minh tại thị trường này. Ít ai hình dung được người mang đến những am hiểu về văn hóa và đời sống của người Thái lại bắt nguồn từ một công ty du lịch đến từ Việt Nam.

Đến nay, những sản phẩm đặc thù này của Thiên Minh đều đã được các doanh nghiệp khác áp dụng. Đối diện với điều đó, trần trọng Kiên tự tin rằng, người đi đầu bao giờ cũng có những lợi thế nhất định, và sao chép thì không thể làm tốt bằng những người đi đầu. Điều này đúng không chỉ với câu chuyện tại Thái Lan mà còn cả với những sản phẩm và thị trường khác của thiên Minh. họ đã đi bằng một con đường chưa hề có trên bản đồ, và khách du lịch luôn hào hứng với những điều mới mẻ. Yếu tố khác biệt trở thành một vũ khí lợi hại mà Thiên Minh không bỏ qua khi bước vào những lĩnh vực khác ngoài lữ hành.

Chuỗi giá trị và trải nghiệm trọn vẹn

Sau 7 năm phát triển, con tàu Thiên Minh bắt đầu có được vị thế vững chắc trên thị trường du lịch. nhưng như thế là chưa đủ với những người đứng đầu Thiên Minh, họ muốn doanh nghiệp phải có những bước đột phá. Làm thế nào để một doanh nghiệp chỉ hoạt động trong một mảng chính là lữ hành như Thiên Minh có thể lớn nhanh và có được nguồn lực để thực hiện những tham vọng lớn hơn? hơn nữa, với nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với khách du lịch và khách hàng, họ hiểu rằng, việc khách du lịch có hài lòng với chuyến đi của mình hay không, không chỉ phụ thuộc vào trải nghiệm của họ trong các hoạt động du lịch mà còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ăn ở, đi lại. những phần đó lại không nằm trong tay Thiên Minh.

Thị trường Việt nam lại phát triển chưa thực sự hoàn hảo, chưa có những sản phẩm thực sự tốt trên cả 3 mảng này. năm 2003, Thiên Minh đứng trước cơ hội mở rộng sang một mảng khác trong lĩnh vực du lịch là lưu trú, với khách sạn Festival tại huế. Công ty quyết định mua lại Festival Huế mà đến thời điểm này Trần Trọng Kiên vẫn nhấn mạnh “là một trong những mốc quan trọng tạo nên bước ngoặt thành công của Thiên Minh”. Việc Thiên Minh xây khách sạn Mai Châu Lodge và mua lại chuỗi khách sạn Victoria hay Xiengthong tại Lào sau này một phần cũng bắt nguồn từ sự tự tin sau kinh nghiệm thu được từ thương vụ khách sạn Festival huế.

Hướng phát triển trong các mảng khác nhau để tạo nên một chuỗi giá trị này còn được gọi là mô hình Intergrated bussiness. Mô hình này được đánh giá là phù hợp với một doanh nghiệp đang ở quy mô chưa quá lớn và hoạt động chính tại một thị trường còn chưa hoàn hảo như Việt Nam. Và trên thực tế, mô hình này đã được chứng minh là tốt cho Thiên Minh trong giai đoạn vừa qua, khi tất cả các công ty cùng tăng trưởng ổn định và tạo ra một trải nghiệm trọn vẹn cho khách du lịch. Mô hình này được đánh giá là sẽ tiếp tục hiệu quả với Thiên Minh trong ít nhất là 10 năm nữa.

Ngay sau khi bước chân vào lĩnh vực khách sạn, Thiên Minh đã áp dụng ngay những kinh nghiệm họ có được từ sự am hiểu nhu cầu và tâm lý của khách du lịch, điều mà không phải nhà kinh doanh khách sạn nào cũng có được. triết lý kinh doanh: “Bán khách sạn không chỉ đơn thuần là bán buồng mà còn là bán trải nghiệm trong và ngoài khách sạn” đã mang lại những màu sắc mới mẻ cho những khách sạn mà Thiên Minh đầu tư. Tại Victoria Châu Đốc, những hoạt động đặc trưng của văn hóa Khơ-me như dệt cửi được đưa vào ngay sảnh khách sạn để khách du lịch khi đến ở tại đây đã có một chút trải nghiệm về văn hóa nơi này. những chương trình du lịch cũng được Thiên Minh khéo léo lồng ghép vào trong các hoạt động của khách sạn.

Điều đó làm du khách hài lòng, thích sản phẩm du lịch của vùng và kết quả là họ lưu lại lâu hơn. hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, thiên Minh còn tận dụng được những lợi điểm trong khâu dự báo nhu cầu, chủ động được kênh phân phối Đến nay, Thiên Minh đã có trong tay một chuỗi khách sạn từ Bắc vào Nam với 5 khách sạn: Victoria (Phan thiết, Sapa, Cần Thơ, Châu Đốc, Hội An), khách sạn Festival ở Thừa Thiên Huế, Mai Châu Lodge (Hòa Bình) và khách sạn Xiengthong ở Lào.

Nhìn vào hệ thống khách sạn này, có thể thấy rõ định hướng của Thiên Minh là tập trung vào phân khúc trung - cao cấp với tiêu chuẩn 4 sao. Đó là chiến thuật của Thiên Minh khi tham gia vào thị trường vốn đã có sự hiện diện của rất nhiều những gã khổng lồ. Để đỡ tổn thất nhất thì tốt hơn hết là tránh đối đầu với những thương hiệu 5 sao đã có nền tảng tốt và kinh nghiệm phát triển trên khắp toàn cầu như: hilton, accor, intercontinental, Marriot hay Starwood… trong khi đó, 4 sao vẫn là một thị trường còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư muốn kinh doanh khách sạn.

Mặt khác, phân khúc này cũng khá phù hợp với phân khúc khách hàng mà Thiên Minh đã làm rất thành công trong mảng lữ hành. Để hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành du lịch, năm 2007, Thiên Minh đầu tư vào mảng vận tải bằng việc mở Công ty Vận tải Thiên Minh. Với 22 đầu phương tiện, 4 tầu ngủ đêm cao cấp trên vịnh Hạ Long và một tàu ở sông Hồng, Thiên Minh đã tự giải quyết được một phần nhu cầu phục vụ khách của công ty và khách của các công ty thành viên khác như Buffalo Tours và Intrepid Việt Nam.

Với các mảng lưu trú, vận tải và tour, mô hình Integrated đã giúp Thiên Minh có cơ hội hiểu biết sâu sắc về các phần khác nhau của ngành du lịch và kiểm soát tốt nhất chất lượng của chuỗi giá trị mang đến cho khách. Chưa dừng lại ở đó, chuỗi giá trị này lại tiếp tục hoàn thiện bằng một mảng kinh doanh mới: kinh doanh khách sạn trực tuyến.

90% ý tưởng bắt nguồn từ nhân viên

Năm 2011, một nhóm gồm 20 bạn trẻ năng động được Trần Trọng Kiên giao toàn quyền cho việc lập ý tưởng và triển khai một dự án đặt khách sạn trực tuyến dành cho người Việt Nam. Đó là một nhóm khởi nghiệp đúng nghĩa, sự khác biệt lớn nhất là họ không phải tự bỏ tiền ra. nhóm bạn trẻ này hiểu rằng, họ đang đứng trước một thách thức rất lớn của cuộc chơi mà trong 1.000 người tham gia thì chỉ có 1 - 2 người thắng và họ chỉ có từ 12 - 24 tháng để tìm ra câu trả lời: Có được chạy tiếp dự án hay không.

Kết quả là, sau gần 2 năm, công ty do họ tạo nên đã chiếm được 6% thị phần trong mảng đặt khách sạn trực tuyến, điều mà trước đó không ai nghĩ một doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được, trước những cái tên khổng lồ từ nước ngoài như Agoda hay Booking.com. Đó là câu chuyện của IVIVU.com - website dịch vụ khách sạn trực tuyến do Thiên Minh hợp tác với tập đoàn Wotif. Đây là điển hình cho yếu tố mà người đứng đầu doanh nghiệp rất tâm đắc: Tinh thần khởi nghiệp - Entrepreneurship. Trần Trọng Kiên khẳng định, sự thành công ngày hôm nay của Thiên Minh bắt nguồn từ việc xây dựng được tinh thần khởi nghiệp ở công ty.

Tinh thần khởi nghiệp tại Thiên Minh được xây dựng trên ba nền tảng chính: sự sáng tạo, khả năng dám chấp nhận rủi ro và tính chủ động. Theo quan điểm của anh Kiên, nếu trong một doanh nghiệp việc đưa ra những ý tưởng mới, tìm kiếm cơ hội, sáng tạo nếu không phải là chỉ của 1, 2 người đứng đầu mà là cả một tập thể thì công ty sẽ có sức mạnh vô cùng lớn. trên "con tàu" Thiên Minh, tất cả các nhân viên đều tham gia vào việc tìm kiếm cơ hội và tìm cách biến cơ hội đó thành kết quả. những cơ hội này phải phù hợp với chiến lược chung mà những người đứng đầu vạch ra. Trần Trọng Kiên tự hào cho biết: có đến 90% ý tưởng kinh doanh của Thiên Minh được bắt nguồn từ nhân viên

Vì sao việc xây dựng đội ngũ lại được những người đứng đầu Thiên Minh chú trọng đến như vậy? Lý do nằm ở chỗ, trong lĩnh vực du lịch, khi các sản phẩm rất dễ bị sao chép thì con người là sự khác biệt duy nhất không thể sao chép, rồi chính những con người khác biệt sẽ tiếp tục sáng tạo nên những sản phẩm khác biệt. Trần Trọng Kiên chia sẻ: “Phải làm thế nào để những người bốc vác, lái xe đều cảm thấy tự hào về Thiên Minh và hiểu được ý nghĩa của vị trí họ đang làm, có như vậy thì họ mới thấy hài lòng và vui vẻ được. Điều này lại có tác động ngược trở lại đến tinh thần làm việc của họ và quyết định rất nhiều đến trải nghiệm của khách đối với các hoạt động của Thiên Minh. Bởi hơn ai hết, họ là những người hàng ngày tiếp xúc với khách”.

Nhân viên - công ty - khách hàng, đó là vòng tròn khép kín mà Thiên Minh với 2.000 nhân viên hoạt động trải khắp các vùng miền và nhiều quốc gia khác nhau phải duy trì được sự cân bằng để phát triển bền vững.

Khai phá những vùng đất hứa

Cách đây mấy năm, trong một bài phỏng vấn, Trần Trọng Kiên từng chia sẻ về tham vọng đầu tư vào Myanmar và coi đây như là một trong những thị trường chiến lược. Ở thời điểm này, Thiên Minh nhìn thấy tiềm năng về một thị trường bùng nổ cho mảng khách sạn với nhu cầu khoảng 20.000 buồng tại đất nước được coi là vùng đất hứa duy nhất còn sót lại ở khu vực Đông Nam Á phát triển đầy năng động này. tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đầu tư vào khách sạn của Thiên Minh tại đây đang được tính toán lại, bởi theo cách nhìn của Trần Trọng Kiên, cách mở cửa của Myanmar khác với Việt Nam gần 30 năm trước.

Myanmar không mở cửa từ từ mà mở toang cánh cửa để tiếp nhận những luồng gió mới. trước khi mở cửa, thị trường này đã có một nhóm lợi ích rất giàu có gom góp tài sản từ trước, giá bất động sản vì vậy sẽ rất cao. nếu đầu tư vào những lĩnh vực cần sử dụng mặt bằng như khách sạn, cơ hội để kiếm được lợi nhuận sẽ rất khó, trong khi rủi ro về mặt chính sách vẫn còn rất cao.

“Với Myanmar, Thiên Minh vẫn sẽ vào, nhưng chỉ tập trung vào mảng tour. Còn câu chuyện đầu tư khách sạn cần phải chờ tới thời điểm thích hợp”, trần trọng Kiên cho biết. thời gian này, khi kinh tế trong nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, Thiên Minh lại tập trung vào mảng mua bán và sáp nhập để tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh. Trần Trọng Kiên tiết lộ, mỗi năm, khoảng 20% số tiền đầu tư của Thiên Minh được dùng để mua lại tài sản giá rẻ.

Cuối năm 2012, dư luận xôn xao về việc Trần Trọng Kiên tham gia vào hội đồng quản trị của ngân hàng ACB. Vì sao đang làm du lịch rất thành công Trần Trọng Kiên lại nhảy sang lĩnh vực ngân hàng - một lĩnh vực tay ngang và tại sao lại là ACB? phải chăng ngân hàng cũng là một vùng đất hứa khác mà Thiên Minh nhắm tới? Trần Trọng Kiên bảo: Bên cạnh việc muốn đóng góp vào việc xây dựng hệ thống ngân hàng và tin vào tiềm năng của ACB, một ngân hàng mà theo đánh giá của anh là tốt nhất về hệ thống, thương hiệu, con người… còn có một lý do khác: Anh muốn tham gia vào quá trình gây dựng lại niềm tin từ thị trường đối với ACB và niềm tin giữa các thành viên của hội đồng quản trị ngân hàng với nhau.

Gần 20 năm xây dựng và phát triển Thiên Minh, Trần Trọng Kiên hiểu rằng, gây dựng và truyền niềm tin chính là một trong những thế mạnh lớn nhất của mình. Cũng ngần ấy năm, với 2.000 USD thuở ban đầu, nay giá trị tài sản của Thiên Minh đã lên tới 78 triệu USd - Một sự phát triển thần kỳ mà bản thân người đứng đầu doanh nghiệp mới tròn 40 tuổi này cũng không thể tưởng tượng được. Thành công của Thiên Minh không chỉ đến từ những yếu tố rất dễ hình dung như sản phẩm, dịch vụ mà còn đến từ những yếu tố rất “ảo” như: gây dựng niềm tin, sự hãnh diện của nhân viên hay chạm vào cảm xúc của khách hàng.

Với một cơ ngơi như ngày hôm nay, Trần Trọng Kiên không còn đủ thời gian để hàng tuần đưa khách ra sân bay nữa. nhưng điều quan trọng là nhân viên của anh đã hiểu được thế nào là giá trị của việc lắng nghe khách hàng và chính họ sẽ thay anh làm điều đó.

Theo Doanh nhân

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Những cách kiếm tiền độc không giống ai

Những ý tưởng kinh doanh cực kỳ lạ, độc đáo, dịch vụ không giống ai, họ còn là người biết nắm bắt thời cơ, nhạy bén với thời cuộc.

Bánh mỳ thừa thành "vàng"

Meyer Luskin năm nay 87 tuổi là tỷ phú của Mỹ, ông đã chọn con đường làm giàu của mình từ những mẩu bánh mỳ thừa.

Meyer Luskin là người sáng lập và CEO của công ty Scope Industries, trụ sở Los Angeles - doanh nghiệp tái chế bánh mỳ và sản phẩm ngũ cốc quá hạn sử dụng lớn nhất của Mỹ.

Khi nhìn những cửa hàng, những lò bánh mì, bánh ngọt, bánh nướng... quá hạn sử dụng bị bỏ đi khá nhiều, trong khi đó việc tiêu hủy chúng vô cùng tốn kém vì thế ông đã lập ra công ty chuyên thiết kế và xây dựng những máy ép rác thải công nghiệp.

Sau khi thu gom sản phẩm hỏng, quá hạn, xe tải của công ty sẽ chuyển chúng đến một trong 12 nhà máy xử lý trên toàn quốc. Rác thải được xay nhuyễn, sấy khô và nướng thành "sản phẩm bánh mỳ khô". Nông dân khắp thế giới bỏ tiền mua sản phẩm này của Scope để làm thức ăn cho ngựa, bò, gà...

Hiện tại, doanh thu hàng năm của Scope Industries là trên 112 triệu USD. Theo ước tính, tài sản năm 2013 của tỷ phú Meyer Luskin lên tới con số 1 tỷ USD.

Bán không khí sạch đóng lon

Trăn trở với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở đất nước mình, tỷ phú Chen Guangbiao người Trung Quốc đã tung ra thị trường sản phẩm không khí sạch đóng lon với nhiều mùi hương khác nhau. Sản phẩm được cho là có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ của người sử dụng. Tỷ phú Chen cho biết, doanh thu từ việc bán không khí sạch rất khả quan, đạt mức hơn 800 USD ngay trong ngày đầu tiên ra mắt sản phẩm ở Bắc Kinh. Ông cũng cho hay, việc kinh doanh không khí sạch của ông là nhằm kêu gọi sự chú ý của mọi người đối với vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Năm nay 45 tuổi, ông Chen là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Jiangsu Huangpu Recycling Resources - một trong những công ty hàng đầu Trung Quốc về lĩnh vực tái chế. Vào năm 2011, tạp chí Forbes đã xếp hạng Chen ở vị trí 223 trong danh sách "Những người giàu nhất Trung Quốc năm 2011". Tạp chí này ước tính tài sản của Chen ở mức 4,45 tỷ Nhân dân tệ.

Trở thành tỷ phú nhờ… quần jean cũ

Năm 21 tuổi Thomas Meyer thành lập Desigual ở Ibiza (có nghĩa là “không đúng kiểu”). Công ty của Thomas Meyer chuyên dùng những chiếc quần jean bỏ đi để may thành áo đem bán, các sản phẩm của ông tập trung vào những hình in sáng với màu sắc rực rỡ, đồng thời luôn tìm những vị trí đắc địa để mở cửa hiệu. Với cách đột phá lạ mắt này Thomas Meyer đã trở thành một tỷ phú mới của làng thời trang thế giới.

Doanh thu của hãng này đã tăng gấp 3 trong vòng 5 năm trở lại đây, lên mức 700 triệu Euro, tương đương 903 triệu USD. Năm 2012, hãng này bán được 22 triệu món đồ thời trang thông qua 330 cửa hiệu riêng và 11.200 điểm bán lẻ khác tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên tạp chí, Adell tuyên bố, doanh thu của Desigual sẽ vượt mức 1 tỷ Euro vào năm 2014.

Theo tính toán của hãng tin tài chính Bloomberg, Meyer sở hữu giá trị tài ròng ít nhất là 1,1 tỷ USD, còn công ty của ông được định giá ở mức 1,6 tỷ USD. Ông chưa từng xuất hiện trên bất kỳ xếp hạng tỷ phú toàn cầu nào.

Ý tưởng biến súng đạn thành đồ trang sức

Ông Cory Booker - Thị trưởng thành phố Newark (bang New Jersey- Mỹ) có một ý tưởng kinh doanh lạ khi lên kế hoạch biến súng đạn thành đồ trang sức. Ý tưởng này được đưa ra sau khi Tổng thống Obama ký đạo luật về hạn chế sử dụng súng, đây là một ý tưởng đầy sáng tạo khi lấy những khẩu súng và vỏ đạn thu giữ sẽ được đun chảy và chế tác thành những chiếc vòng đeo tay và lắc với giá bán 150 - 375 USD.

Trở thành triệu phú nhờ súng diệt côn trùng Bug - A- Salt

Lorenzo Maggiore, một người đàn ông sống tại bang California, Mỹ, là người phát minh khẩu súng độc đáo có khả năng diệt ruồi. Nếu nghĩ đến việc diệt ruồi bọ, đa số mọi người sẽ sử dụng các bình phun thuốc, tuy nhiên, các hóa chất độc hại không phải bao giờ cũng có hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Do đó Bug - A - Salt, tên của khẩu súng, sở hữu "ổ đạn" chứa đầy muối, người sử dụng súng có thể bắn tới 50 phát ở trong hình dạng chiếc bình phun đặc biệt. Trong mỗi lần "khai hỏa", Bug - A - Salt bắn ra chùm hạt muối nhỏ li ti về phía ruồi, song không làm tan xác mục tiêu. Tầm bắn tối đa của súng là 1,5 m. Không cần pin và không dùng hóa chất là hai trong số những ưu điểm của Bug - A - Satl. Ngoài ra, do ruồi "chết toàn thây" nên người sử dụng có thể thu dọn "chiến trường" dễ dàng sau khi tiêu diệt ruồi. Nhìn chung súng diệt ruồi Bug - A - Satl có nhiều lợi thế hơn hẳn so với thuốc xịt côn trùng.

Lorenzo dự định sẽ đăng ký bản quyền sáng tạo và cho sản phẩm này ra mắt vào cuối năm nay, nhưng đã có hàng trăm người quan tâm và đặt hàng anh ngay từ lúc này.

Làm giàu từ dịch vụ… vệ sinh cho thú cưng

Dylan Balsz và Tilden smith - Mỹ, khởi nghiệp kinh doanh thành công nhờ ý tưởng độc đáo – "nhà vệ sinh" di động cho thú cưng.

Với cái tên độc đáo International Pet Solutions (Tạm dịch: Giải pháp cho Thú cưng quốc tế) chuyên cung cấp mọi sản phẩm và dịch vụ đa dạng giúp người chăm sóc các con vật nuôi trong nhà như chó, mèo… cảm thấy thoải mái và dễ chịu.

Đến tháng 8/2012, PetLawn đã có mặt tại hơn 200 cửa hàng trên toàn nước Mỹ bao gồm cả hai chuỗi bán lẻ nổi tiếng là Centinela Feed& Pet Supplies và Collar& Leash. Hai nhà đồng sáng lập trẻ tuổi đang dự định sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh của ý tưởng này ra phạm vi các nước láng giềng như Canada, Panama và Venezuela. Sau một năm doanh thu của hãng này đạt tới 160.000 USD, con số đáng kể cho một doanh nghiệp tự lập.

Bách hóa di động

Postmates bán tất cả mọi thứ, từ đồ sạc pin iPhone, những loại có trong cửa hàng tạp hóa cho đến bánh mì kẹp thịt và giao hàng không quá một giờ. Công ty ra mắt từ tháng 5 năm ngoái. Trung bình một khách hàng chi khoảng 100 USD mỗi tháng để mua sản phẩm tại đây.

Dịch vụ đăng ký đặt phòng vào phút chót

Những khách du lịch cần ngay phòng để ở và mong muốn tìm những khách sạn còn phòng trống, khi gặp trở ngại có thể đăng ký phòng của HotelTonight. Công ty đã đánh bại nhiều gã khổng lồ trong lĩnh vực này.

Sam Shank, Giám đốc điều hành HotelTonight hy vọng công ty sớm đạt 100 tỷ USD vốn hóa trên thị trường. HotelTonight hiện giúp khách hàng đăng ký phòng qua hơn 2.000 khách sạn

Dịch vụ mai mối xe

Công ty Getaround là đơn vị "mai mối" giữa người sở hữu và không có xe hơi. Jessica Scorpio, đồng sáng lập của công ty cho biết trong trường hợp đi chung xe để chia sẻ chi phí, nếu lỡ đâm vào xe khác thì công ty sẽ áp dụng theo luật của bang California. Hiện giờ, người dùng có thể hỏi thuê một chiếc Tesla Model S với giá 20 USD một giờ.

Scorpio có tham vọng mở rộng hình thức này trên toàn cầu với mục đích là có thể hạn chế hàng tỷ chiếc xe mới chạy ngoài đường và mọi người có thể thuê xe hiện có.

Phân phối và tiếp thị sản phẩm game

Các kho ứng dụng Apple và Google là nơi trung gian để những chương trình trò chơi được tiếp cận dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên đây lại là điểm rất khó để các nhà phát triển game muốn có hoạt động kinh doanh thật sự. Do đó, Chartboost ra đời để giúp các nhà phát triển game có thể phân phối và tiếp thị sản phẩm game của họ.

Chartboost đã tăng từ 800 đến 12.000 nhà phát triển (những đơn vị tạo ra chương trình game) chỉ trong thời gian 2 năm. Công ty hy vọng sẽ huy động nguồn vốn lên 19 triệu USD từ quỹ đầu tư Sequoia Capital.

Dịch vụ thẻ

Angus Davis mở một doanh nghiệp riêng mang tên Swipely. Đây là công ty giúp cho tiến trình xử lý thẻ tín dụng hoạt động thông minh hơn bằng cách thêm vào yếu tố phân tích kinh doanh.

Hiện tại, doanh số bán hàng năm của Swipely đạt 400 triệu USD và đang tăng trưởng mỗi quý là 50%.

Khởi nghiệp từ vải vụn

Không chỉ trên thế giới mà hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều ý tưởng kinh doanh lạ và đạt không ít hiệu quả.

Trần Phương Huyền khởi nghiệp từ những mảnh vải thừa của mẹ, đến nay sau 5 năm hoạt động cô đã là giám đốc công ty với thương hiệu gối thủ công nổi tiếng Take One.

Gia đình có nghề may quần áo, nên từ nhỏ Huyền sớm tiếp xúc với vải vóc, kim chỉ. Thấy vải thừa lãng phí, Huyền tỉ mẩn khâu vá, làm áo búp bê, khăn, gối tặng bạn... Huyền ghép các miếng vải thành tên, lời nhắn trên khăn gối nên được một số bạn đặt làm để tặng người khác. Từ nguồn vải nỉ đủ màu sắc nhập từ Hàn Quốc, Huyền làm ra đủ dạng gối, phù hợp với mọi sở thích.

Tới năm thứ ba đại học, Huyền mới mở rộng cửa hàng, làm cô chủ nhỏ với hơn 10 nhân viên. Không tốn tiền quảng cáo, nhưng mỗi ngày Huyền bán được gần trăm sản phẩm, sản phẩm của Huyền nhanh chóng là món quà ưa chuộng của giới trẻ.

Hiện tại, công ty của Huyền có đội ngũ gần 100 nhân viên, đa phần là người trẻ, sản phẩm có mặt ở khắp Việt Nam và có 30% số lượng sản phẩm khách đặt mua mang đi nước ngoài. Ngoài công ty, tài sản lớn Huyền có được sau gần 5 năm kinh doanh đó là căn nhà 3 tầng trị giá 5 tỷ đồng.

Họ là những người có đầu óc, là những nhà kinh doanh tài ba, có khả năng kiếm tiền tốt và khả năng nhìn đâu cũng ra tiền.

Theo Doanhnhanthanhdat.net/NĐT

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Con đường làm giàu của các tỷ phú

Lĩnh vực dễ biến mọi người thành tỷ phú nhất là đầu tư, với các tên tuổi như George Soros hay Warren Buffett... Kế đó tới thời trang, bất động sản và thực phẩm - đồ uống.

Theo thống kê của Forbes, nghề nghiệp dễ khiến con người trở nên giàu có nhất là đầu tư. Trong các tỷ phú năm nay, có tới 148 người đến từ lĩnh vực này. Trong đó có George Soros, Carl Icahn, Warren Buffett và hai tân binh Seth Klarman, Isabel dos Santos. Họ là những người quản lý các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để làm được việc này, bạn sẽ cần rất nhiều tiền, không phải của bản thân thì cũng là vay từ gia đình, bạn bè.

Thời trang là ngành sản sinh nhiều tỷ phú thứ hai trên thế giới với 146 người. Trong những người mới gia nhập danh sách năm nay, có tới 21 tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực này. Tiêu biểu là Domenico Dolce và Stefano Gabbana của Dolce & Gabbana, Renzo Rosso của Diesel Jeans và Tory Burch.

Giày ballet bệt Reva cùng áo nữ kiểu preppy-bohemian đã giúp cả Tory Burch và chồng cũ của cô - Chris Burch lọt vào danh sách tỷ phú. Kevin Plank sở hữu số tài sản 1,2 tỷ USD nhờ áo phông Under Armour. Còn Tỷ phú Peru - Eduardo Belmont (6,1 tỷ USD) cũng phất lên nhờ Belcorp, hãng mỹ phẩm bán hàng tận nhà tại 15 quốc gia Mỹ Latin.

Trong tất cả các trường hợp trên, công thức thành công của các họ đều là: sáng tạo, thiết kế và tạo ra sản phẩm có sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Hai tỷ phú mới trong danh sách năm nay là Nicholas Woodman của GoPro và Hamdi Ulukaya của Chobani cũng vậy. GoPro tạo ra loại máy quay chuyên phục vụ cảnh mạo hiểm ngoài trời. Còn Chobani là hãng sữa chua theo phong cách Hy Lạp với ôliu, nho và hoa quả có vị mát.

Lĩnh vực dễ làm giàu thứ ba là bất động sản với 129 đại diện. Sau đó là đa ngành nghề (125), thực phẩm - đồ uống (100) và công nghệ (95).

Tuy nhiên, xếp hạng này cũng dao động theo từng khu vực. Châu Âu là nơi các tỷ phú thời trang và bán lẻ thống trị với 62 người. Trong khi đó, Mỹ lại dẫn đầu về công nghệ với 53 người, chiếm một nửa tỷ phú công nghệ thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại bị áp đảo bởi bất động sản với 71 đại diện.

Thùy Linh (theo Forbes)
(Theo Vnexpress)

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dưới góc nhìn Forbes

Giống như bất kỳ ai khác làm giàu từ Đông Âu, ông Vượng đã phải đối mặt với nhiều tin đồn...

Bí mật của Phạm Nhật Vượng, theo Forbes, là đặt trọng tâm vào đối tượng khách hàng giống như ông. Đó là một thế hệ mới mong muốn có cuộc sống tốt hơn thế hệ cha mẹ.

“Theo tin đồn, tôi đã chết ít nhất 4 lần vào năm ngoái”, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bộc bạch trong bài viết khá dài về ông trên tạp chí Forbes, nhân sự kiện ông trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào xếp hạng tỷ phú thế giới của tạp chí này.

Vào một buổi sáng đẹp trời tháng 10/2012, trên đường Đồng Khởi, con phố thương mại sầm uất nhất Sài Gòn, đã diễn ra lễ khai trương trung tâm thương mại Vincom Center A. Đây là một dự án lớn, không phải chỉ bởi quy mô (diện tích thương mại 38.000 m2, bãi đỗ xe ngầm 3 tầng; một khách sạn 5 sao gồm 300 phòng), hay những khách thuê cao cấp (Versace, Hermes, Dior) mà còn bởi thời điểm khai trương dự án. Thị trường bất động sản Việt Nam khi đó đã đóng băng suốt từ năm 2011, với ít nhất 13,5% trong số các khoản vay bất động sản tổng trị giá 10 tỷ USD trở thành nợ xấu.

Phạm Nhật Vượng, người đứng sau dự án bất động sản thương mại 500 triệu USD này, không hề uống champagne, cắt băng khánh thành hay phát biểu gì. Thay vào đó, người đàn ông 44 tuổi này lặng lẽ theo dõi buổi lễ từ một hàng ghế ở phía sau. “Tôi thích tự mình nhấm nháp hương vị hạnh phúc hơn”, ông Vượng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi sau đó trong văn phòng mới tại Hà Nội. Văn phòng này nằm trong Vincom Village, một dự án khác của ông.

Phạm Nhật Vượng được coi là Donald Trump của Việt Nam. Giờ đây, ông đã trở thành tỷ phú đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lọt vào xếp hạng thế giới. Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của ông ở mức 1,5 tỷ USD, chủ yếu dựa trên mức cổ phần 53% mà ông nắm giữ cả trực tiếp và gián tiếp trong tập đoàn bất động sản Vingroup, công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn thứ 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Câu chuyện của ông Vượng có thể được xem như một câu chuyện làm giàu tiêu biểu của một cá nhân ở Việt Nam trong thời đổi mới.

Phạm Nhật Vượng sinh tại Hà Nội vào năm 1968, năm diễn ra cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân làm thay đổi cục diện cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Cha ông làm việc trong không quân Việt Nam, còn mẹ ông mở quán trà bán ở vỉa hè. Khi hòa bình lập lại, kinh tế cả nước khó khăn, gia đình ông nhiều lúc phụ thuộc hoàn toàn vào khoản thu ít ỏi từ quán trà của người mẹ. “Khi đó, giấc mơ của tôi không hề lớn, tôi chỉ muốn giúp đỡ gia đình”, ông nhớ lại.

Bằng con đường học hành, Phạm Nhật Vượng đã thoát khỏi tình thế khó khăn đó. Học giỏi toán, ông được nhận một suất học bổng theo học ngành kinh tế học tài nguyên ở Moscow, Nga. Như có sự dàn xếp trước của số phận, vào đúng năm 1993 khi ông tốt nghiệp, Liên Xô sụp đổ, mở ra một vòng xoáy của những bất ổn và cả những cơ hội. Ở Việt Nam vào thời điểm đó, Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi kết hôn với người bạn gái cùng học, Phạm Nhật Vượng quyết định ở lại nước ngoài, với mong muốn tranh thủ những cơ hội mà thời kỳ hậu Liên Xô mang lại. Cặp vợ chồng trẻ tìm đường sang Ukraine. Với kinh nghiệm học được từ quán trà ngày xưa của mẹ, ông vay mượn bạn bè và người thân được 10.000 USD và mở một nhà hàng Việt Nam tại quốc gia Đông Âu này. Nhận thấy nhu cầu tốt, ông cũng bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền trên một dây chuyền nhập từ Việt Nam. Ý tưởng về một nhà hàng mỳ ăn liền khi đó là toàn toàn mới mẻ với người Ukraine, và được khách hàng hưởng ứng tích cực. “Người Ukraine khi đó rất nghèo và đói khổ”, ông Vượng nhớ lại.

Vì thế, Phạm Nhật Vượng đã chấp nhận dấn thân vào rủi ro. Thay vì kinh doanh một cửa hiệu mỳ quy mô nhỏ, ông đem thế chấp mọi thứ mà ông có để đi vay vốn với lãi suất “cắt cổ” 8% mỗi tháng để mở rộng sản xuất. Thăm dò thị trường, ông sản xuất nửa triệu gói mỳ để tặng người tiêu dùng kèm theo những cuốn lịch chủ đề Việt Nam.

Người Ukraine nhanh chóng “nghiện” sản phẩm mỳ ăn liền có gia vị, và Phạm Nhật Vượng trở thành “ông vua” thực phẩm chế biến ở nước này. Tính đến năm 2010, trước khi ông bán công ty Technocom cho hãng Nestle thì công ty này có doanh thu khoảng hơn 100 triệu USD mỗi năm.

Trong nhiều năm, khi kiếm được tiền nhờ công ty mỳ gói ở Ukraine, ông đã chuyển tiền về nước để đầu tư vào các dự án với mong muốn nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế đang phát triển nhanh ở quê nhà.

Chiến lược của ông tại Việt Nam bắt đầu khá đúng lúc. Vào cuối thập niên 1990, Phạm Nhật Vượng có chuyến đi tới thành phố biển Nha Trang. Ở thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh. Việt Nam đã tránh được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, bình thường hóa quan hệ thương mại với Mỹ, và tái khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Từ năm 2000-2006, GDP của Việt Nam tăng trưởng ít nhất 6% mỗi năm.

Nhận thấy cơ hội tốt, ông tính sẽ đầu tư vào một dự án nhỏ trong nước. Ông muốn biến một hòn đảo nhỏ còn sơ khai ngoài khơi thành một khu nghỉ dưỡng sang trọng. Và kết quả là sự ra đời của khu nghỉ dưỡng hạng sang Vinpearl.

Một lần nữa ông lại nhanh chóng tìm thấy thành công. Trong năm tiếp sau đó, ông khai trương trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, tòa tháp tổ hợp thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Ba năm sau, ông xây thêm 260 phòng ở Vinpearl, cùng với tuyến xe cáp dài hơn 3 km nối giữa Vinpearl và đất liền.

Chưa dừng ở đó, ông tiếp tục xây thêm nhiều dự án bất động sản cao cấp tại Hà Nội, trong đó có Vincom Village. Vincom, công ty bất động sản thương mại và nhà ở của Vượng, đã lên sàn chứng khoán từ năm 2007. Khi đó, ông duy trì Vinpearl như một công ty riêng chuyên về nghỉ dưỡng cao cấp. Năm ngoái, Phạm Nhật Vượng gộp hai công ty này thành Vingroup.

Danh tiếng của ông gia tăng cùng với sự giàu có. Mặc dù đã sắm sửa một số tài sản xứng tầm với một tỷ phú, bao gồm một dinh thự nằm giữa những ngọn đồi nhân tạo ở Vincom Village, một xe Bentley, và một quỹ từ thiện riêng, Vượng vẫn giữ lối sống bình dị, thích xem phim võ thuật hơn là rong ruổi trên chiếc xe sang hay đam mê những kỳ nghỉ ở khu resort riêng tại  Nha Trang.

Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ ai khác làm giàu từ Đông Âu, ông đã phải đối mặt với nhiều tin đồn. Phạm Nhật Vượng đơn giản chỉ phủ nhận những tin đồn đó. “Theo tin đồn, tôi đã chết ít nhất 4 lần vào năm ngoái. Trong câu chuyện thứ nhất, những sát thủ từ Moscow đã bắn hạ tôi. Ở câu chuyện thứ hai, tôi sang Moscow và bị mafia Nga bắn chết. Rồi câu chuyện thứ ba, tôi bị bắn ở Ukraine. Năm ngoái, tôi chẳng đến Ukraine hay Nga. Còn câu chuyện gần đây nhất, tôi bị chết vì ung thư. Tôi khỏe thế này mà họ bảo tôi bị ung thư”, ông kể với Forbes.

Bất chấp những tin đồn, ông Vượng vẫn đang tiến bước, tung ra những tòa tháp văn phòng, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, các trung tâm mua sắm… với tốc độ chóng mặt. Vingroup hiện có một danh mục bao gồm 31 dự án bất động sản, trong đó có 12 dự án đã hoàn thành, 3 còn đang dang dở, và số còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị.

“Vingroup có một đẳng cấp riêng. Họ đang xây dựng những dự án lớn nhất ở Việt Nam. Họ đã liên tục tìm kiếm những ý tưởng mới và nhân tài trong một tình thế rất khó khăn. Hầu hết mọi người đều dừng lại trong bối cảnh thị trường như hiện nay, nhưng Vingroup thì không”, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, nhận xét.

Bí mật của Phạm Nhật Vượng, theo Forbes, là đặt trọng tâm vào đối tượng khách hàng giống như ông. Đó là một thế hệ mới mong muốn có cuộc sống tốt hơn thế hệ cha mẹ. Những người này tạo ra một thị trường lớn cho các dự án bất động sản nằm ở các vị trí đắc địa, vì 60% trong tổng số dân 92 triệu người Việt Nam là dưới 40 tuổi. Ông không chỉ xây các khu căn hộ, nhà lô và biệt thự, ông còn xây bệnh viện, các tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm để hỗ trợ các khu nhà ở. Ngoài ra, giữa lúc nhiều công ty bất động sản khác trì hoãn dự án, thì các dự án của ông luôn hoàn thành đúng thời gian. Tháp Vincom A chỉ mất thời gian 19 tháng để xây xong.

Năm 2012, khi hầu hết các công ty bất động sản khác mắc kẹt với nợ xấu và nguy cơ không bán được hàng, Vingroup đạt doanh thu khá cao từ bán nhà. Nhờ đó, Phạm Nhật Vượng huy động được 300 triệu USD trên thị trường trái phiếu quốc tế, cho dù nhà bảo lãnh phát hành Credit Suisse lúc đầu tỏ ra hoài nghi về những con số của Vingroup. “Họ đã thuê luật sư và kiểm toán viên để kiểm tra”, bà Lê Thị Thu Thủy, giám đốc điều hành của Vingroup cho hay. “Chúng tôi đã đưa cho họ báo cáo ngân hàng của mình và cho họ tiếp xúc với khách hàng”. Nguồn vốn vay quốc tế này đóng một vai trò quan trọng, vì cho dù đã nổi lên trở thành người giàu nhất Việt Nam, ông đã phải trải qua một giai đoạn khó huy động vốn trong nước.

Hai quỹ nước ngoài chuyên về thị trường chứng khoán Việt Nam là MSCI Vietnam IMI và Van Eck Market Vectors ETF đã gom một lượng lớn cổ phiếu Vingroup. Những lực lượng đến từ bên ngoài này chính là nguồn động lực đưa ông Vượng lên địa vị tỷ phú.

Phạm Nhật Vượng đang trong quá trình huy động vốn từ một số nhà đầu tư chiến lược, với mục tiêu sau cùng là niêm yết Vingroup trên thị trường chứng khoán Singapore. Ông hy vọng, việc niêm yết ở Singapore sẽ mang đến cho cổ phiếu Vingroup một mức giá hợp lý, đồng thời tạo ra một cột mốc mới khi Vingroup trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết ở nước ngoài.

Ông mơ ước sẽ biến những con phố của Hà Nội và Sài Gòn trở nên sầm uất như Hồng Kông hay Singapore. “Nếu tôi làm được điều đó, thì cho dù có phải tốn tiền tỷ, tôi cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn để lại một thứ gì đó cho thế hệ sau. Bạn không thể mang tiền theo khi bạn chết”, ông nói.

Theo VnEconomy

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Bí quyết đầu tư của nhà giàu Trung Quốc

Đa dạng hóa danh mục đầu tư, mua tài sản rẻ, rạch ròi giữa quyết định đầu tư và ý thích cá nhân... là những quy tắc giúp tiền đẻ ra tiền mà rủi ro thấp.

Người giàu Trung Quốc dần trở thành nhà đầu tư toàn cầu khi vừa kiếm lợi nhuận ngay quê nhà, đồng thời rót tiền vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và các tài sản khác ở nước ngoài. Dù thành công hay không, đây là dịch chuyển thông minh, trong lúc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng.

Người giàu có của Trung Quốc ngày càng tăng, ngày càng nhiều người đem tiền đầu tư ở nước ngoài.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư, mua tài sản rẻ, nhận biết được những gì đang mua và rạch ròi giữa quyết định đầu tư và ý thích cá nhân là bí quyết của giới giàu Trung Quốc.

Những nhà đầu tư dạng này thường hướng đến sự an toàn, tìm phương án tài chính dự phòng, tập trung vào các tài sản mà không có sự ràng buộc quá nhiều với nền kinh tế.

Đó là một sự chuyển đổi lớn của giới giàu Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, chiến lược đầu tư thành công nhất ở Trung Quốc chính là việc thu mua và nắm giữ, sử dụng tiền vay. Thị trường chứng khoán Trung Quốc được coi là khó có thể dự đoán trước, do vậy việc đầu tư vào các tài sản khác trong dài hạn nhìn chung có khả năng thành công cao.

Có 4 quy tắc để nhà đầu tư kiếm lợi nhuận phù hợp với rủi ro thấp, đó là đa dạng hóa danh mục đầu tư, mua tài sản rẻ, nhận biết được những gì đang mua và rạch ròi giữa quyết định đầu tư và ý thích cá nhân.

Đa dạng hóa danh mục là chân lý mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp áp dụng để giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi nhuận. Điều này có nghĩa là tìm cổ phiếu của các công ty có hoạt động kinh doanh tốt, uy tín (còn gọi là các cổ phiếu blue-chip) tại các thị trường đã phát triển mà không có ràng buộc gì với Trung Quốc. Mục đích nhằm mua những tài sản có tính ổn định khi hoạt động kinh doanh riêng hay nền kinh tế đang gặp khó khăn. Có thể hướng tới các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, bất động sản và tài chính.

Việc mua tài sản giá rẻ cũng cần được chú ý. Chứng khoán Mỹ được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến. Hệ số giá trên thu nhập (P/E) của chỉ số Standard&Poor’s 500 hay nhiều chỉ số khác là tiêu chí để các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra. Trung bình cổ phiếu Trung Quốc có tỷ lệ P/E là 40, tức cổ phiếu được bán với giá gấp 40 lần lợi tức, theo chỉ số chứng khoán Trung Quốc.

Giá rẻ chỉ mang tính tương đối. Việc đánh giá mức ổn định đồng nhân dân tệ và lạm phát giá tài sản trong nước có thể khiến thị trường đắt đỏ cũng được coi là rẻ. Chẳng hạn, giá bất động sản ở Manhattan có thể hợp lý hơn nếu so với Hong Kong và Singapore, theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank. Giá bất động sản ở Miami rẻ hơn nhiều, nhưng nó cũng là một thị trường nhiều biến động.

Nên cần biết rõ những gì muốn mua cũng là bí quyết đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư nên tránh các sản phẩm đầu tư cấu trúc, đòn bẩy...

Năm ngoái, một chiến lược mà các nhà đầu tư châu Á áp dụng, đó là vay với giá rẻ và đầu tư vào trái phiếu có lãi suất cao. Đây là dạng đầu tư tài sản phổ biến nhất vào thời điểm đó, một tài sản mang lại hiệu suất cao nhất trong năm 2012. Mức lời thu về từ các trái phiếu dạng này khoảng 15% trong vòng 52 tuần, theo chỉ số Merrill Lynch Global. Tuy nhiên, trái phiếu có lãi suất cao đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, các nhà đầu tư đành phải bán tháo chúng.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh phải tách rời với ý thích cá nhân. Đối với người mê bất động sản, họ có thể mua căn nhà thứ 2 ở London hay New York để dành cho con cái đi học. Tuy nhiên không thể kết hợp giữa việc đầu tư và ý thích hưởng thụ. Việc mua căn hộ ở New York trong trường hợp con cái của họ sẽ đến đó sau 10 năm nữa là một chiến lược mạo hiểm.

Phương Mai (theo WSJ) - Vnexpress