Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

50 bước đi tài chính cá nhân thông minh

Bảo vệ và sử dụng tài chính của cá nhân gồm nhiều vấn đề không phải ai cũng biết. Tờ USNews giới thiệu 50 bước đi tài chính thông minh, qua đó có thể giúp cá nhân cải thiện tình hình tiền bạc của mình.

1. Quyết định mục tiêu tài chính

Đối với một số người, không có gì thú vị hơn việc tiết kiệm để mua căn nhà rộng với hàng rào trắng. Giấc mơ của số khác lại là chuyến đi vòng quanh thế giới hoặc thoát khỏi công việc. Chọn cho riêng mình mục tiêu tài chính cá nhân sẽ giúp bạn dễ dàng làm việc để đạt mục tiêu đó.

2. Tạo kế hoạch chi tiêu

Phần lớn mọi người sẽ dành khoảng 2/3 thu nhập cho 3 nhu cầu cần thiết nhất: thực phẩm, nhà ở và di chuyển. Kế tiếp, đó là trả nợ, tiết kiệm, chi phí cho gia đình hoặc vui chơi giải trí. Hãy tạo dựng một ngân sách hàng năm bằng việc phân bố chi tiêu cho từng mục đích.

3. Chống lại cám dỗ của các hãng bán lẻ

Các cửa hàng kinh doanh luôn muốn chúng ta tiêu tiền. Nhưng nếu biết được thủ thuật của họ, chúng ta có thể chống lại sự cám dỗ đó. Thẻ thưởng, khuyến mãi hấp dẫn hay xả hàng chớp nhoáng là những kỹ thuật họ thường dùng. Tất cả điều chúng ta cần làm là nói "không".

4. Theo dõi từng khoản chi tiêu

Theo dõi từng khoản chi tiêu trong khoảng 2 tuần giúp bạn có thể nhìn ra số tiền bị lãng phí vào những mục đích không cần thiết, từ ăn nhà hàng cho đến bắt taxi. Bạn nên dùng bút hoặc bút chì để đánh dấu và loại bỏ chúng.

5. Không trả tiền bằng mác giá

Giá có thể được mặc cả nhiều hơn chúng ta nghĩ, dù mua sắm ở một cửa hàng lớn đi chăng nữa. Nếu bạn tìm thấy một mức giá thấp hơn cho sản phẩm tương tự ở nơi khác, đừng do dự hỏi nhân viên bán hàng xem họ có thể bán với mức tương tự. Trong trường hợp xấu nhất, câu trả lời bạn nhận được có thể là "không".

6. Tìm kiếm sản phẩm trên mạng trước khi đến cửa hàng

Trang web đánh giá sản phẩm, bán coupon mua hàng thường cung cấp cái nhìn tổng quan và thông tin để giúp chúng ta có thể tìm được giao dịch tốt nhất. Với sự gia tăng chi phí liên quan, giá bán thấp nhất thường thấy là các giao dịch trực tuyến.

7. Kiếm tiền từ nhiều hơn một nguồn

Sự thiếu đảm bảo trên thị trường lao động có thể khiến chúng ta bị mất việc hay giảm lương bất kỳ lúc nào. Trong trường hợp đó, có thêm thu nhập từ một nguồn khác sẽ tốt hơn rất nhiều.

8. Khởi động kế hoạch kinh doanh của riêng mình

Khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng đến người dân Mỹ, buộc họ phải tự tìm hướng kinh doanh để kiểm soát tình hình. Những việc tưởng chừng rất nhỏ như kiếm tiền từ quảng cáo trên blog cá nhân, trồng hoa bán đều có thể trở thành nguồn tài chính giúp bạn ổn định thu nhập.

9. Đàm phán về mức lương

Nhiều người lao động cảm thấy may mắn đơn giản vì họ có việc làm nhưng đôi khi đề nghị tăng lương lại là một bước đi thông minh. Nếu gần đây bạn được đổi công việc, thăng chức hoặc nhận ra mức lương còn thấp so với đồng nghiệp. hãy ngồi xuống cùng với quản lý của bạn và đề nghị tăng số tiền trả cho mình.

10. Theo dõi cẩn thận từng khoản tiền được thêm vào

Kiếm tiền ngoài công việc chính có thể làm phức tạp vấn đề khi tính thuế. Do đó, hãy giữ các giấy tờ liên quan đến tất cả nguồn thu nhập cũng như hóa đơn dính đến chi phí. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu kỹ điều luật liên quan đến thuế để có thể tính toán chính xác xem mình phải nộp, được miễn hay hoàn thuế bao nhiêu tiền.

 11. Không né tránh hoàn toàn tất cả các khoản nợ

Vấn đề "nợ" đã mang tiếng xấu kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vì cho vay dưới chuẩn. Tuy nhiên, vay thế chấp giúp người ta có thể mua nhà và con em họ có thể đến trường nhờ vay vốn sinh viên. Hãy quyết định vay nợ dựa trên ưu điểm và nhược điểm của chúng một cách cẩn thận.

12. Trả nợ lãi cao một cách nhanh chóng

Nợ tín dụng là một trong những khoản nợ có lãi suất cao nhất, trung bình khoảng 17%. Thoát nợ tín dụng càng sớm càng giúp bạn giảm được phí và lãi đang dồn lại.

13. Tạo dựng lịch sử tín dụng tốt

Các tổ chức tài chính quyết định cho vay tiêu dùng hay không, ở mức lãi suất bao nhiêu phần lớn dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc những người có lịch sử tín dụng hạn chế (do có ít hoặc không có tài khoản tài chính) sẽ gặp khó khăn khi vay thế chấp. Hãy thanh toán hóa đơn đúng hạn và chắc chắn có một vài tài khoản đứng tên bạn.

14. Kiểm tra báo cáo tín dụng của bạn

Bạn có thể nhận được một bản báo cáo tín dụng hàng năm hoàn toàn miễn phí dựa trên loại hình dịch vụ tài chính đang sử dụng. Hãy kiểm tra thật kỹ và sửa chữa những sai lầm trong chi tiêu mà bạn nhìn thấy.

15. Theo dõi và xem xét bản sao kê tài khoản hàng tháng

Một khoản phí lạ trên thẻ tín dụng của bạn thường là dấu hiệu đầu tiên để biết nó bị đánh cắp hay chưa. Xem xét email từ các tổ chức tín dụng một cách cẩn thận để chắc chắn rằng tài khoản của mình không bị lạm dụng. Nếu có khoản phí sai, hãy liên hệ với tổ chức tài chính của bạn ngay lập tức.

16. Tận dụng lợi thế của các thẻ thưởng

Nếu có thể thanh toán số dư trong thẻ tín dụng trong từng tháng, bạn đang có vị trí rất thuận lợi để tận dụng những ưu đãi từ việc dùng thẻ. Ưu đãi này gồm có tích lũy điểm thưởng, tự động bảo vệ gian lận và trong một số trường hợp được bảo đảm trách nhiệm.

17. Chọn loại thẻ tín dụng phù hợp nhất với bạn

Loại thẻ tín dụng khác nhau sẽ mang lại lợi ích khác nhau cho khách hàng. Nếu bạn có xu hướng tìm kiếm sự cân bằng, hãy tìm cho mình loại thẻ có lãi suất thấp nhất có thể. Nếu thường xuyên đi du lịch, bạn nên sử dụng thẻ liên kết với hãng hàng không và có bảo hiểm di chuyển.

18. Tự động viên bản thân trả nợ

Nếu bạn đang cố gắng giải quyết nợ tín dụng hoặc nợ sinh viên, hãy động viên bản thân với những mục tiêu lớn hơn. Đó có thể là tấm ảnh về nơi bạn muốn đến, căn nhà bạn muốn mua khi trả xong nợ. Tập trung vào những mục tiêu đó sẽ giúp bạn dễ dàng nói "không" với những cám dỗ mua sắm mới.

19. Không nên tập trung đầu tư vào một đối tượng

Trừ khi bạn thích nghiên cứu báo cáo thường niên hay các bản doanh thu hàng quý, còn lại, bạn nên chuyển hướng đầu tư. Đầu tư vào các quỹ chỉ số, một số loại chứng khoán phản ánh thị trường thay vì chỉ tập trung vào 1 hoặc 2 công ty.

20. Tối thiểu hóa chi phí

Chi phí ở quỹ tương hỗ và các sản phẩm đầu tư khác có thể dần gặm mất một phần lớn thu nhập của bạn qua thời gian. Hãy tối thiểu hóa chi phí lại bằng cách tránh các sản phẩm đắt tiền như quỹ quản lý chủ động, và chuyển qua quỹ chỉ số.

21. Nhớ rõ quy luật lợi nhuận – rủi ro

Cùng với sự quan trọng của việc đa dạng hóa, quy luật lợi nhuận – rủi ro là một nguyên tắc cổ điển trong đầu tư. Rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn. Hãy đánh giá lại danh mục đầu tư của bạn. Nếu mong muốn tiền của mình được an toàn, bạn có thể đi theo hướng gửi tiết kiệm.

22. Bắt đầu sớm, đầu tư thường xuyên

Sức mạnh của cách tính lãi kép sẽ thể hiện rõ ràng khi bạn tiết kiệm từ sớm cho thời gian nghỉ hưu thay vì đợi đến khi chuẩn bị nghỉ việc. Nếu công ty của bạn có chế độ hỗ trợ đóng góp cho nhân viên thì hãy tận dụng lợi thế đó. Nó sẽ giúp bạn thêm rất nhiều.

23. Không cố gắng đuổi theo thị trường

Thị trường ngày càng trở nên khó dự đoán, vì vậy bạn nên đầu tư theo hướng chậm mà chắc. Chọn một hướng đi khác đôi khi là chiến lược đầu tư tốt hơn so với việc bỏ tiền vào thị trường khi nó có vẻ hứa hẹn.

24. Xem xét thời gian còn lại của bạn

Khi thời điểm nghỉ hưu đang đến gần, bạn sẽ muốn chuyển tất cả tiền về một tài khoản để bảo toàn. Đó không phải là cách hay. Có một quy tắc ngón tay cái (rule of thumb) là lấy 100 hoặc 110 trừ đi tuổi hiện tại của bạn, sau đó lấy số tiền tương ứng với tỷ lệ đó đầu tư vào cổ phiếu, phần còn lại có thể để trong tài khoản hoặc mua trái phiếu.

25. Không nhất thiết phải theo dõi thị trường hàng ngày

Thị trường luôn lên xuống thất thường và nếu bạn đầu tư trong dài hạn thì không nhất thiết phải quá lo sợ. Thay vào đó, bạn nên kiểm tra danh mục đầu tư của mình ít mỗi quý một lần để giữ cân bằng và có những điều chỉnh cần thiết.

26. Xem xét làm việc với một chuyên gia

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc quản lý tiền, không có gì là sai nếu tìm đến một chuyên gia tư vấn tài chính. Hãy chọn nhà tư vấn chỉ tính phí, không hưởng hoa hồng để tránh xung đột lợi ích. Ngoài ra, họ còn có thể tư vấn miễn phí về kế hoạch đầu tư khi bạn về hưu.

27. Tính toán số tiền về hưu cho riêng bạn

Một số công cụ ước tính dành cho nghỉ hưu trực tuyến đã xuất hiện để giúp mọi thứ dễ dàng hơn. Ngoài ra, số tiền bạn để dành được sau khi tính toán có thể còn cao hơn mục tiêu ban đầu. Điều đó phụ thuộc vào chi phí sống của bạn.

28. Tập đi từng bước nhỏ

Dành lại 10% thu nhập cho nghỉ hưu có thể hơi quá sức với nhiều người. Để thành công, những nhà tiết kiệm "chuyên nghiệp" thường bắt đầu trích 2 – 3% thu nhập của họ để dành cho nghỉ hưu, sau đó từ từ nâng tỷ lệ đó lên theo thời gian.

29. Kiểm tra phúc lợi xã hội trong tương lai

Bạn nên kiểm tra, xem xét những khoản phúc lợi mình có thể nhận trong tương lai như bảo hiểm, lương hưu để biết chính xác số tiền được hưởng khi về hưu.

30. Tiết kiệm ngay cả khi bạn không có thu nhập

Có nhiều lựa chọn cho tài khoản hưu trí giúp bạn có thể tiếp tục tiết kiệm ngay cả khi bạn không có thu nhập. Tài khoản Roth IRA và IRA vợ chồng là 2 lựa chọn tốt. Hãy kiểm tra điều kiện bản thân và bắt đầu đóng góp vào tài khoản trên.


31. Sống cùng gia đình

Phần lớn các sinh viên vừa tốt nghiệp đều có thể quay trở về sống cùng bố mẹ. Làm như vậy có thể giúp ổn định tài chính dễ dàng hơn, nhất là trong khoảng thời gian xin việc và trả nợ sinh viên.

32. Giúp đỡ gia đình bằng những cách phi tài chính

Tư vấn nghề nghiệp cho thành viên khác, lựa chọn lắp đặt mạng hoặc chuẩn bị các bữa ăn là những điều một sinh viên mới tốt nghiệp có thể giúp gia đình giống như góp tiền mặt vậy.

33. Hãy nói "không" hợp lý

Đôi khi bạn phải bảo vệ được tài chính của mình trước khi giúp đỡ người khác. Nếu việc hỗ trợ gia đình buộc bạn phải chịu nợ hoặc tiết kiệm cùng, hãy lý giải lịch sự rằng bạn có thể giúp bằng cách khác chứ không phải cho tiền mặt.

34. Chuẩn bị giúp đỡ cha mẹ già

Những người dù ở lứa tuổi 20, 30 hay 40 đều sẽ phải giúp đỡ cha mẹ mình khi họ về già. Điều này bao gồm hỗ trợ tài chính, chia sẻ nhà ở. Một khảo sát của Coldwell Banker Real Estatse cho thấy, 1/3 số người mua đang có xu hướng chọn loại nhà phù hợp cho nhiều thế hệ sinh sống.

35. Tránh dùng chung tài khoản tín dụng

Các thành viên trong gia đình thường ký chung một thẻ tín dụng để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến trách nhiệm tài chính phức tạp sau này. Một người nợ có thể ảnh hưởng đến tình hình tín dụng của những người còn lại. Do đó, tốt nhất là bạn không nên dùng chung tài khoản với bất kỳ ai.

36. Nói chuyện thẳng thắn

Nếu bạn không chắc chắn về kỳ vọng hỗ trợ tài chính của cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình, hãy ngồi xuống và cùng nhau thảo luận. Một cuộc nói chuyện thân mật, trung thực về những gì đang cần, kỳ vọng và khả năng tối đa sẽ tránh được những hiểu lầm sau này.

37. Sống đơn giản hơn

Cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất đã mang cuộc sống của chúng ta quay về với thói quen đơn giản. Những món đồ tự làm, nấu ăn thậm chí cắt tóc tại nhà lại trở nên phổ biến. Một số thay đổi nhỏ trong cách sống như đi xe đạp thay vì lái ô tô tới công sở có thể làm giảm đáng kể chi phí hàng tháng.

38. Tìm những thói quen tiết kiệm hơn

Thăm công viên công cộng, đi bộ, vào thăm bảo tàng miễn phí và các hoạt động cộng đồng hoàn toàn có thể thay thế được những chuyến đi du lịch đắt tiền.

39. Lên kế hoạch cho bữa ăn hàng tuần

Thực phẩm là một trong những danh mục có thể thay đổi bất ngờ nhất, dễ chán ăn và muốn đi nhà hàng. Để tránh cái bẫy này, các bà nội trợ hãy thử lên kế hoạch cho bữa ăn trong tuần kế tiếp, nhờ đó sẽ sử dụng thực phẩm dễ dàng và hiệu quả hơn.

40. Thiết lập các mục tiêu tài chính chung

Nếu bạn đã có vợ hoặc chồng thì lên kế hoạch tài chính không thể hoàn thành một mình được. Hãy cùng nhau thiết lập mục tiêu tài chính chung, nhờ đó có thể giảm tối đa xung đột trong chi tiêu hàng ngày.



(Còn nữa)

Nguyễn Tâm (theo Money USNews)