Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Những nhà đầu tư xuất sắc khuyên gì cho 2013?

Trong giai đoạn toàn cầu tăng trưởng chậm, những nỗ lực tích cực của các ngân hàng trung ương và những nhà hoạch định chính sách tài chính mất dần hiệu lực, những quy tắc đầu tư thông thường cũng đã thay đổi ít nhiều.

Tạp chí Thị trường Bloomberg số ra tháng 1/2013 đã tham khảo ý kiến của một loạt các nhà quản lý đầu tư xuất sắc, những người đã đoán đúng xu hướng thị trường và dẫn đầu về tỷ lệ lợi nhuận trong giới đầu tư. Những chuyên gia này đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về đầu tư năm 2013.

1. Đầu tư vào chứng khoán: Nhật Bản và công nghệ

(Nhà đầu tư David Herro, Harris Associates LP, quản lý quỹ đầu tư 9,2 tỷ USD)

"Năm nay là có thể là một năm tốt để đầu tư vào chứng khoán. Thị trường chứng khoán toàn cầu năm qua đã giảm giá đáng kể. Xét về mặt địa lý, thị trường Nhật Bản rất đáng để chú ý. Còn xét về ngành thì đó chính là công nghệ. Cổ phiếu công nghệ, kể cả những tên tuổi sáng chói nhất như Facebook, Apple đều mất giá trong năm qua. Vì thế đây là cơ hội tốt để quay lại với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta không thể trông đợi tỷ lệ lợi nhuận cao như trước đây".

2. Đầu tư vào nông nghiệp

(Nhà chiến lược thị trường Quincy Krosby, Prudential Financial Inc. Quỹ này kiểm soát 1,01 nghìn tỷ USD)

"Theo con số thống kê dân số toàn cầu, nông nghiệp luôn xứng đáng có vị trí trong danh mục đầu tư. Giá lương thực thực phẩm dự đoán sẽ còn tăng trong thời gian tới. Với hàng loạt các chính sách kích thích kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, chắc chắn nông nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều và đem lại lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư".

3. Bình tĩnh chờ đợi

(Dinakar Singh, nhà sáng lập và CEO của TPG-Axon Capital Management LP)

"Đôi khi điều tốt nhất chúng ta có thể làm là không làm gì cả. Theo tôi, thời điểm này nhà đầu tư đơn giản là nên kiên nhẫn chờ đợi thay vì lao vào tìm đủ mọi cách để vớt vát thua lỗ hay chạy trốn những đợt khủng hoảng. Một số tài sản có thể đang rất rẻ hiện nay, nhưng không có nghĩa đó là khoản đầu tư chắc chắn sinh lời".

4. Nắm bắt tâm lý nhà đầu tư

(Michael Shaoul, Chủ tịch Marketfield Asset Management LLC)

"Vào đầu năm 2003, tôi ngồi làm việc với hai nhà đầu tư nhỏ, còn một nhà đầu tư lớn khác của chúng tôi ngồi làm việc cách đó không xa. Trong một giờ, 3 chúng tôi trao đổi về tình hình kinh doanh với tâm lý rất bi quan. Nhà đầu tư lớn kia sau đó gọi tôi lại và nói "Sau khi nghe 3 người đàn ông thông minh thảo luận về tình hình thị trường một cách chi tiết như vậy, tôi cho rằng đã đến lúc mua vào". Tôi đã học được một bài học giá trị về cách nắm được tâm lý giới đầu tư.

5. Lợi tức cố định của cổ phiếu

(Chris Leavy, giám đốc U.S. Fundamental Equity)

Các công ty niêm yết ở Mỹ tiếp tục tạo ra nhiều nguồn tiền mặt nhàn rỗi và chúng sẽ quay trở lại với các cổ đông. Năm nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, doanh số của các công ty cũng sẽ tăng dần kéo theo sự tăng trưởng lợi nhuận. Dù tốc độ tăng GDP còn chậm trên toàn cầu, nhưng tôi dự đoán tốc độ tăng doanh số sẽ vào khoảng 4 - 5%, có nghĩa là lợi tức từ cổ phiếu sẽ vào khoảng 9 - 10%.

6. Mua nợ khu vực đồng euro (thận trọng)

(Andreas Utermann, giám đốc đầu tư toàn cầu, Allianz Global Investors. Tổ chức này kiểm soát 250 tỷ USD)

Kể từ mùa hè năm ngoái, chúng ta đã thấy những bước tiến quan trọng trong việc tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng nợ. Đã có nhiều tiến bộ trong việc đưa ra một liên minh ngân hàng và Ngân hàng trung ương châu Âu đã đóng vai trò như là người cho vay cuối cùng với các chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những bất ổn về chính trí. Mô hình cụ thể cho liên minh ngân hàng châu Âu vẫn chưa rõ ràng. Ngân hàng trung ương châu Âu vẫn phải thể hiện bằng thực tế chương trình hành động của mình. Dù vậy, những rủi ro cũng đã được giảm thiểu đáng kể. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ những trái phiếu chính phủ của các nước khu vực đồng euro, ngoài Đức.

7. Trái phiếu doanh nghiệp châu Âu

(Doug Ramsey, giám đốc đầu tư của Leuthold Weeden Capital Management. Leuthold Weeden từng khuyến cáo mua vào cổ phiếu 4 ngày trước đợt thị trường bật tăng tháng 3 năm 2009)

Các nhà đầu tư trái phiếu vì mục đích an toàn đã có nhiều bài học cay đắng trong năm qua. Đây là lúc chúng ta nên quay lại với các công ty uy tín, có doanh số phát triển ổn định. Hiện nay cổ phiếu của các công ty châu Âu có tỷ lệ cổ tức vào khoảng 4%, gấp đôi tỷ lệ cổ tức ở thị trường Mỹ. Các tập đoàn đa quốc gia chất lượng cao của châu Âu nằm trong nhóm số ít những cổ phiếu lợi tức cao cuối cùng trên thế giới mà chưa bị các nhà đầu tư hăm hở trả giá cao ngất.

8. Đi vay tiền

(Howard Ward, giám đốc tài chính của Gamco Investors Inc. Quỹ đầu tư toàn cầu Gamco do ông giám sát đạt mức lợi nhuận cao trong năm tài khoá 2012).

"Do lo ngại sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, nhiều người đã mua trái phiếu và vì thế lợi tức của trái phiếu đang giảm dần. Lãi suất đi vay cũng giảm cùng với các chính sách kích thích kinh tế. Theo tôi, nên đi ngược lại xu thế này theo cách vay tiền với mức lãi suất thấp để đầu tư vào những tài sản đã mất giá nhiều trong thời gian qua, chẳng hạn như bất động sản".

Theo Hoàng Yến (VnMedia)

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

11 ĐIỀU BẠN KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC HỌC Ở TRƯỜNG" do Bill Gates soạn thảo



1) Cuộc sống vốn không công bằng, chúng ta phải tìm cách thích ứng với nó.

2) Thế giới này không quan tâm đến cái tự ái trong bạn, mà chỉ mong bạn lập được thành tích trước khi bản thân bạn tự cảm thấy hài lòng.

3) Sau khi tốt nghiệp THPT, bạn không thể có ngay mức lương 40.000$/năm, không thể trở thành chủ tịch một công ty, sở hữu một chiếc xe hơi có lắp điện thoại cho đến khi bạn tự mình kiếm được những thứ ấy. Hãy bắt tay vào làm đi, thay vì ngồi đó mà mơ mộng.

4) Nếu cho rằng thầy giáo của bạn nghiêm khắc, hãy đợi đến khi đi làm bạn sẽ biết. Thầy giáo cũng đến lúc hết nhiệm kì công tác, nhưng ông chủ thì mãi mãi là ông chủ của bạn.

5) Món "bánh nướng kẹp thịt" rẻ tiền không hề làm giảm đi giá trị của bạn. Ông bà ta có định nghĩa khác về "bánh nướng kẹp thịt", họ gọi là thời cơ. Gặp những người khi sa cơ lỡ vận, đừng trở nên bất đắc chí mà hãy sử dụng nghịch cảnh như là một động lực để vươn lên.

6) Nếu bạn lâm vào cảnh khó khăn, đừng mải dằn vặt về những lỗi lầm đã qua mà hãy rút ra bài học từ đó. Hãy cố gắng đứng vững và đi lên từ những thất bại của mình

7) Trước khi sinh ra bạn, cha mẹ bạn không như hiện tại đâu. Họ trở nên như thế là vì bao năm nay họ phải kiếm tiền nuôi bạn, giặt quần áo cho bạn. Nếu muốn diệt "ký sinh trùng" đeo bám suốt đời ba mẹ bạn, trước tiên hãy diệt trừ con rệp trong tủ áo của bạn.

8) Nhà trường có thể không còn phân biệt học sinh giỏi hay kém nhưng cuộc sống thì có đấy. Một số trường đã từ bỏ điểm kém, chỉ cần bạn muốn tìm lời giải chính xác, nhà trường sẽ cho bạn vô số cơ hội. Nhưng cuộc sống thì không phải vậy. Bạn phải không ngừng nỗ lực vươn lên để tự khẳng định mình.

9) Cuộc sống không phân chia học kỳ, bạn sẽ không có kỳ nghỉ hè, cũng ít có ông chủ nào giúp bạn phát hiện chính mình. Bạn phải tự mình phát hiện những điều ấy.

10) Truyền hình không phản ánh cuộc sống chân thực. Trong cuộc sống hiện thực, người ta phải rời khỏi tiệm cà phê để đi làm việc chứ không phải ngồi đấy xem TV.

11) Bạn hãy cư xử tế nhị với kẻ là bạn cho là nhạt nhẽo, vô vị, vì có thể một ngày nào đó bạn có thể phải làm việc với một người vô vị như thế.

KLC

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Thận trọng đầu tư cổ phiếu

Áp lực lạm phát quay trở lại, sự chi phối của nhiều chính sách mới lên các kênh đầu tư... khiến việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu trong năm 2013 trở nên khó khăn hơn.

Thận trọng với cổ phiếu "nóng"

Thông tin Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm làm tan băng thị trường bất động sản (BĐS), xử lý nợ xấu đã khiến cổ phiếu (CP) các ngành này có đợt tăng giá khá mạnh từ cuối năm 2012 đến nay và nhiều người đã kỳ vọng năm 2013 sẽ là năm trở lại của các CP này. Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích của Công ty chứng khoán (CTCK) KIS Việt Nam, hầu hết nhóm CP BĐS đang giao dịch với thị giá thấp hơn nhiều so giá trị sổ sách trong các năm gần đây. BĐS cũng là loại "CP chu kỳ", có khuynh hướng dao động theo biến động của nền kinh tế và thường chỉ có chuyển biến tốt vài tháng trước khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Tương tự là nhóm CP ngân hàng (NH), diễn biến của ngành này sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả việc xử lý nợ xấu, và đây là tiến trình dài hạn chứ không thể xử lý trong vài tháng hoặc một năm. Do đó, đầu tư vào CP BĐS, CP NH trong năm 2013 chỉ thích hợp với các nhà đầu tư (NĐT) trung và dài hạn.

Thận trọng đầu tư cổ phiếu

Đồng quan điểm trên, bà Tôn Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt, khuyên nên thận trọng đối với CP NH và BĐS trong năm 2013, do các vấn đề giải quyết nợ xấu. Mức độ nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, phần lớn nhất nợ xấu của NH liên quan đến BĐS, nên một khi nợ xấu chưa được giải quyết và nguồn vốn cho BĐS còn khó khăn thì chưa thể lạc quan về nhóm CP ngành này.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC, lại cho rằng ngành BĐS và NH cũng có thể là cơ hội đầu tư tốt cho các NĐT chấp nhận mạo hiểm, hoặc người đã tham gia lâu vào thị trường chứng khoán. Bởi hiện giá giao dịch CP hai ngành này đã giảm nhiều và thấp hơn so với giá trị sổ sách. Trong khi đó, với những giải pháp mà Chính phủ sẽ đưa ra để kích thích tăng trưởng kinh tế nói chung thì CP hai ngành này sẽ có cơ hội bật lại nhanh hơn.

Cổ phiếu thực phẩm an toàn

Theo thống kê, CP ngành hàng tiêu dùng là nhóm duy nhất có mức tăng trưởng trong hai năm 2011 và 2012, với mức tăng lần lượt 28% và 29%, nhờ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vững chắc của các doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Masan, Kinh Đô... Ngành dầu khí hay cao su cũng có mức độ tăng trưởng khá và sẽ tiếp tục ưu thế này trong năm mới.

Ông Lê Đình Minh Phương phân tích: Nhóm ngành thực phẩm thức uống có tính phòng vệ cao và ít bị ảnh hưởng khi nền kinh tế biến động xấu, do đây là mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, CP ngành thực phẩm thức uống trong năm 2013 sẽ tiếp tục là cơ hội đầu tư hấp dẫn và ít rủi ro. Tuy nhiên, CP ngành này chỉ thích hợp cho các NĐT dài hạn, do biến động giá trong ngắn hạn rất nhỏ. Hiện trên sàn có khá nhiều CP có lợi suất cổ tức cao hơn lãi suất NH và có giá hấp dẫn với mức dưới 15.000 đồng/CP - mức mà khả năng giảm giá CP sâu rất khó.

Tương tự, theo bà Tôn Minh Phương, các ngành mang tính phòng thủ cao là sản xuất thực phẩm và năng lượng. Đặc biệt, sản xuất thực phẩm còn là ngành đang được hưởng lợi từ việc chi phí đầu vào giảm. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá cao CP cao su tự nhiên, do đặc thù mô hình kinh doanh giàu tiền mặt và hiện giá cao su tự nhiên đã chạm đáy nên sẽ sớm hồi phục cùng với chu kỳ của kinh tế trong và ngoài nước", bà Tôn Minh Phương nói.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, NĐT phải có sự chọn lọc đối với những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và CP đó có khả năng lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi khi đó CP mới có đủ hai yếu tố giá trị và dòng tiền để tạo nên động lực tăng giá.

Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cũng có quan điểm tương tự, khi nhận định không phải cứ ngành tiêu dùng an toàn là có thể đầu tư bất kể CP nào thuộc ngành này cũng có thể đạt lợi nhuận như mong muốn. NĐT phải có sự chọn lọc CP của những doanh nghiệp có nền tảng ổn định và không đầu tư đa ngành.

Cẩn trọng khi lướt sóng

Theo ông Lê Đình Minh Phương, đầu tư lướt sóng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin và tâm lý của NĐT. “Thị trường chứng khoán Việt Nam trong các năm gần đây phản ứng rất nhạy với các tin tức về chính sách vĩ mô của nhà nước. Trên thực tế, bản thân các NĐT nhỏ lẻ thường nhận được các tin tức này chậm hơn vài ngày so với các NĐT tổ chức hoặc đội lái, chưa kể đến mức độ xác thực của các tin đồn này cũng cách xa nhau. Cho nên đầu tư lướt sóng rất rủi ro, dù có thể suất lợi nhuận cũng khá cao. Đầu tư lướt sóng được hiểu nôm na như mọi người đang cùng tham gia trò chơi chuyền bom. Người nắm giữ cuối cùng khi thị trường đảo chiều sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất”, ông Phương nói.

Còn ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích: “NĐT lướt sóng hay dài hạn đều phụ thuộc vào thời điểm tham gia thị trường cũng như lựa chọn CP có đúng hay chưa? Nếu chọn sai CP thì dù NĐT mua vào và nắm giữ cả 1 năm cũng có thể bị thua lỗ. Việc đầu tư trong năm nay sẽ xoay quanh những trục chính gồm: nhóm CP BĐS, chứng khoán và NH, vì có thể với những thông tin tốt có liên quan hiện nay và giá đã giảm nhiều, CP những ngành này có thể tạo ra được sự đột biến về giá. Nhóm thứ hai là CP của những doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Bởi nếu CP có nền tảng cơ bản tốt nhưng nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm thì thanh khoản yếu, khó có khả năng tăng giá mạnh”.

Mai Phương (Thanh Niên Online)

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Thu trăm tỉ từ thị trường “ngách”

 

Tìm phân khúc thị trường riêng biệt là cách mà chị Yên Châu – chủ thương hiệu đầm bầu BB lựa chọn để thành công trong thị trường thời trang đã bão hòa. Trong thời điểm nhà nhà kinh doanh quần áo, người người kinh doanh quần áo, cạnh tranh để tồn tại diễn ra hết sức khốc liệt. Những người thiếu kiến thức về thời trang, thiếu ý tưởng kinh doanh chỉ làm ăn nhỏ lẻ và quanh đi quẩn lại với chiêu bài thanh lý, giảm giá, đại hạ giá.

Với ý tưởng độc đáo, lại tập trung vào “thị trường ngách” của thời trang, phục vụ một số lượng khách hàng không lớn nhưng lại có nhu cầu bức thiết đã tạo nên sự khác biệt cho công ty Yến Chi.

Ý tưởng đến khi đồng cảnh ngộ

Năm 2004, thời điểm chưa hề có hãng thời trang nào ở Việt Nam quan tâm tới quần áo cho người phụ nữ mang bầu, thời trang giành cho người phụ nữ mang thai vẫn còn đang bỏ ngỏ. Khi đó, những người phụ nữ bụng bầu vẫn còn bị coi là trong giai đoạn “xấu xí”, cũng là lúc ý tưởng kinh doanh đến với chị Yên Châu – giám đốc công ty thời trang Yến Chi chuyên sản xuất các loại đầm bầu.

Ý tưởng về thời trang cho bà bầu đến khi chính bản thân chị Châu đang mang thai đứa con đầu lòng của mình. Mang thai khiến chị mất tự tin vì không thể mặc vừa các loại quần áo cũ, việc tìm các loại quần áo phù hợp với “vóc dáng” cũng rất khó khăn.

“Quãng thời gian 9 tháng 10 ngày không phải là ngắn, và người phụ nữ vẫn có nhu cầu làm đẹp trong thời điểm này. Trong khi ở nước ngoài đã có những cửa hàng thời trang phục vụ lớp khách hàng “bầu bí” từ lâu thì thị trường Việt Nam vẫn bị bỏ ngỏ”,chị Châu cho biết.

Am hiểu về thời trang và nhạy bén trong kinh doanh, chị Châu nhận thấy ngay một phân khúc thị trường hấp dẫn vẫn còn bị bỏ ngỏ. Đầm bầu BB mở ra để phục vụ nhóm khách hàng này và thành công nhanh chóng.
“Phải làm sao để ngay cả khi mang bầu, người phụ nữ vẫn có thể là một biểu tượng thời trang, luôn luôn tự tin và quyến rũ”,chị Châu nói.

Định hướng cho thị trường

Đánh đúng vào nhu cầu thời trang của khách hàng, sản phẩm của chị vừa ra mắt đã nhanh chóng được đón nhận. Không chỉ là người đi tiên phong, chị Châu còn luôn nhanh nhạy và định hướng cho xu hướng thời trang của thị trường.

“Thông thường, thời điểm thu đông công ty đã bắt tay sản xuất đơn hàng cho mùa hè, vì vậy công ty luôn phải đi trước từ 1 – 2 năm trong việc nghiên cứu thị trường, đoán biết kiểu dáng thời trang cũng như chất liệu vải sẽ được ưa chuộng trong những năm tới”, chị Châu cho biết.

Để nắm vững được xu hướng này, đòi hỏi công ty của chị phải mua thông tin từ những công ty chuyên phân tích của nước ngoài, cũng như có một đội ngũ nhân viên thiết kế chuyên nghiệp.

Bản thân tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp khoa thiết kế thời trang, từng giảng dạy thiết kế tại nhiều trường đại học như đại học kiến trúc TP Hồ Chí Minh, trường sân khấu điện ảnh, và cũng từng làm việc tại nhiều công ty lớn về thời trang, chị Châu vừa có mắt nhìn của một nhà thiết kế chuyên nghiệp, vừa có mắt nhìn của một nhà kinh doanh để đưa các mẫu thiết kế đi vào thực tiễn.

“Quãng thời gian đi giảng dạy và làm thuê trong những ngày đầu mới ra trường khiến tôi bớt “mơ mộng” hơn và có cái nhìn thực tế hơn về thời trang, hiểu rõ một sản phẩm thiết kế đẹp nhưng khi tung ra có phù hợp với thị trường thực tế, nhu cầu khách hàng hay không”, chị Châu chia sẻ.

Tăng trưởng: Nhân đôi mỗi năm

Khởi nghiệp kinh doanh chỉ từ một cửa hàng nhỏ trên phố Thợ Nhuộm, với 5 người bao gồm cả bản thân làm tất cả mọi việc từ thiết kế cho đến sản xuất, công ty của chị Châu liên tục mở rộng.

Đà tăng trưởng của công ty tăng vùn vụt, năm sau lại gấp đôi năm trước. Ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, công ty chị vẫn tăng trưởng 150% trong năm 2011, chị Châu cho biết, hiện tại mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 15.000 đơn hàng/tháng cho cả hai mẫu đầm bầu trung và cao cấp. Chị ước tính năm sau, con số này sẽ là 30.000 đơn hàng/tháng với doanh thu đạt 150 tỉ đồng.

Đến nay công ty chị đã phát triển thành một hệ thống các cửa hàng từ Bắc vào Nam với nhiều đại lý phân phối, và thương hiệu đầm bầu BB là cái một trong những cái tên sáng giá nhất tại Việt Nam, ngoài ra dòng sản phẩm Honey với giá cả phải chăng hơn cũng được tập trung phát triển. Công ty của chị hiện cũng đang sở hữu hai xưởng may và đặt gia công ở nhiều nơi tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc.

Nói đến tương lai của công ty, chị Châu vui vẻ cho biết:“Thương hiệu BB sẽ còn tiếp tục mở rộng, đồng thời phát triển thêm các loại quần áo thời trang cho trẻ em và người thừa cân”.

Quốc Dũng
Theo TTVN