Khi bạn gặp những trường hợp cần tiền vào những việc khẩn cấp (ốm đau, tai nạn, hoặc một cơ hội đầu tư không thể bỏ qua), bạn mới thấy rằng việc vay tiền này là một sự lãng phí khủng khiếp.
Tôi có đọc qua 1 quyển sách rất hay nói về việc tại sao nền kinh tế lại tăng trưởng và co lại. Đọc qua, tôi mới hiểu ra nhiều điều, trong đó có việc tại sao Mỹ lại đang ở trong tình trạng bất ổn như bây giờ. Tôi xin kể tóm tắt câu chuyện như sau.
Ở một làng chài nọ, có 3 người đánh cá A, B và C. Để sống sót, mỗi người phải bắt được 1 con cá một ngày. Nếu như người nào không bắt được cá thì người đó sẽ đói và có thể chết.
Lúc đầu, khi chưa có dụng cụ bắt cá, mỗi người chỉ có thể bắt 1 con cá một ngày bằng tay không. Họ làm ra bao nhiêu là ăn hết bấy nhiêu, không có của để dành. Tất cả công sức bỏ vào chỉ để đủ sống sót chứ không có sự phát triển. Kinh tế trên đảo không phát triển vì không có tích lũy.
Một ngày nọ, A nghĩ rằng nếu như mình bị ốm 1 hôm mà không bắt được cá, mình sẽ bị đói ngày hôm đó vì trong làng chả có ai có của dư dả để cho vay. A quyết định phải làm một dụng cụ bắt cá.
A tính toán rằng, nếu như làm được một cái lưới, A sẽ bắt được 2 con cá một ngày, tức là A sẽ có 1 con cá một ngày để tiết kiệm. Nhưng, để làm được dụng cụ bắt cá thì phải mất 1 ngày mới làm xong. Điều đó có nghĩa là ngày hôm đó, A sẽ phải nhịn đói vì toàn bộ thời gian đã dùng vào việc chế tạo lưới và không có thời gian để bắt cá ăn.
Sau 1 ngày làm việc vất vả cực nhọc, A đã hoàn thành xong cái lưới nhưng hôm đó A phải chịu đói.
Sang ngày hôm sau, A mang lưới đi và quả thật, A đã bắt được 2 con cá trong ngày hôm đó. Như vậy, nền kinh tế trên đảo đã tăng trưởng thêm 1 con cá/ngày bởi vì A đã dám bỏ thời gian, công sức và chịu đói để làm ra dụng cụ đánh cá.
Kể từ đó, A sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn. A có thể đi làm hàng ngày và mỗi ngày dư ra một con cá. A cũng có thể nghỉ ngơi một vài ngày vì có cá để ăn dần. A bắt đầu tìm tòi và khám phá các thú vui khác như sáng chế ra trò lướt ván.
Trong khi đó, B và C vẫn cặm cụi làm việc mà chỉ đủ ăn. Thấy A có cuộc sống sung túc, B và C cũng muốn được như vậy nhưng cũng không muốn chịu đói một ngày để làm ra cái lưới đánh cá. Họ quyết định đi vay cá của A trong thời gian làm lưới, vì bây giờ A đã có của dư để có thể cho vay.
A cũng muốn giúp đỡ B và C, tuy nhiên, A nghĩ rằng nếu B và C chỉ phải trả lại 1 con cá, bằng với số cá mà A cho vay thì A chả có lợi lộc gì. Hơn nữa, nếu như B và C không làm được lưới, A sẽ bị mất trắng số cá cho vay.
Không có gì đảm bảo rằng B và C sẽ làm ngay được một cái lưới bắt được 2 con cá một ngày. Suy nghĩ một hồi, A quyết định cho vay nhưng phải trả lại 1.5 con khi đã làm lưới xong.
Sau một ngày làm việc không biết mệt mỏi, B và C đã chế ra được lưới đánh cá và sản lượng cá trên đảo tăng gấp đôi. Nền kinh tế của làng chài đã phát triển vượt bậc.
Như vậy sự phát triển của nền kinh tế đến từ việc tăng năng suất lao động. Xã hội phải có sự tích lũy thì mới có thể khuyến khích mọi người đầu tư để tiếp tục tăng năng suất.
Nếu không có sự tích lũy, hay tiền tiết kiệm, xã hội không thể phát triển. Nếu A không liều mình quyết tâm chế ra lưới đánh cá, cả làng sẽ mãi ở thời kỳ bắt cá bằng cả hai tay mà cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Tuy nhiên, có sự tích lũy là chưa đủ, vì để xã hội phát triển, sự tích lũy đó phải được sử dụng đúng mục đích. Nếu như B và C chỉ vay cá của A để ăn chơi và nghỉ ngơi, B và C sẽ không thể có đủ cá để trả lại cho A. Những khoản vay mà không có đóng góp vào việc tăng năng suất lao động là những khoản vay lãng phí và sẽ không làm cho nền kinh tế phát triển.
Quay trở lại với bài viết của bạn T.H về việc mượn nợ để mua nhà, sắm xe hơi. Nếu bạn nghĩ rằng sẵn sàng vay tiền để mua đồ sử dụng thì bạn không hề đóng góp cho nền kinh tế.
Kinh tế Mỹ bây giờ đang nguy kịch vì chính phủ không tích lũy tiền mà đang vung tay quá trán. Việc cho tiền người dân để tiêu xài hay bỏ ra 3 tỉ đô-la cho chương trình đổi xe tiết kiệm xăng đang đi ngược lại với những điều cơ bản nhất trong kinh tế.
Tại sao nước Mỹ lại giàu có (dù bây giờ thì nghèo rồi)? Chính vì Mỹ đã có quá trình tích lũy trong nhiều thập kỉ, để đầu tư vào việc tăng năng suất lao động. Việc cho tiền người dân không làm tăng năng suất lao động, đó chỉ là sự ban ơn của chính phủ mà thôi, hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế.
Tại sao Trung Quốc bây giờ lại rất đáng sợ? Bởi vì họ có nhiều tiền từ quá trình tích lũy trong suốt 3 thập kỉ qua.
Trung Quốc đang bắt đầu quá trình thâu tóm các công ty nước ngoài để họ có thể lợi dụng công nghệ, cách quản lí điều hành, danh tiếng… của các công ty nước ngoài với mục đích tăng năng suất lao động cũng như mở ra những thị trường mới.
Nói tóm lại, việc nợ nần để chi tiêu vào việc không hiệu quả không phải là biện pháp đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Khi bạn gặp những trường hợp cần tiền vào những việc khẩn cấp (ốm đau, tai nạn, hoặc một cơ hội đầu tư không thể bỏ qua), bạn mới thấy rằng bỏ tiền mua nhà, mua điện thoại, iPhone, mua xe không cần thiết là một sự lãng phí khủng khiếp.
Hạo Lâm (vnexpress)
Hạo Lâm (vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét